Lợi ích của việc sử dụng máy đo đường huyết tại nhà
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG – BỆNH LÝ NGUY HIỂM
Đái tháo đường được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm của bệnh. Tại Việt Nam cho thấy có khoảng 55% số bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng. Và cứ mỗi 8 giây, thế giới lại có một ca tử vong do đái tháo đường. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Những con số đáng báo động này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh đái tháo đường.
Cứ mỗi 8 giây, thế giới lại có một ca tử vong do đái tháo đường.
Đái tháo đường đòi hỏi việc điều trị kéo dài và liên tục. Bác sĩ chỉ có thể theo dõi người bệnh qua những lần tái khám ít ỏi, nên hiệu quả điều trị phụ thuộc phần lớn vào sự tự chủ động của người bệnh tại nhà. Các biến chứng đái tháo đường xuất hiện là do đường huyết không được kiểm soát tốt trong khoảng mục tiêu điều trị theo khuyến cáo.
Mục tiêu điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường ở người trưởng thành, không có thai;
Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường typ 2 – 2020, Bộ Y tế”.
Các mục tiêu về đưòng huyết trên đây áp dụng cho đa số người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, cần đặt ra mục tiêu cá thể hóa, phù hợp với tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh. Với người bệnh trẻ tuổi, mới chẩn đoán đái tháo đường, ít bị hạ đường huyết, chưa có biến chứng nặng của bệnh thì nên đặt mục tiêu chặt chẽ hơn, ví dụ HbA1c < 6,5%. Ngược lại, với người cao tuổi, mắc đái tháo đường nhiều năm, đã có các biến chứng nặng của bệnh, hay bị hạ đường huyết thì cần nới lỏng mục tiêu, ví dụ HbA1c < 7,5%, <8% thậm chí < 8,5%.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐO ĐƯỜNG HUYẾT MAO MẠCH TẠI NHÀ
Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài. Việc điều trị cần sự kết hợp 3 phương pháp điều trị mới đảm bảo hiệu quả:
- Chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý và phù hợp với thể trạng,
- Tập luyện, rèn luyện thể lực phù hợp,
- Tuân thủ phác đồ điều trị dùng thuốc của bác sĩ.
Cần phải nhấn mạnh sự phù hợp vì không phải bệnh nhân nào cũng có phác đồ điều trị giống nhau. Tùy theo thể trạng, đặc biểm của bệnh, lối sống của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ, các chuyên gia y tế sẽ có những lời khuyên phù hợp. Một khi đã được thăm khám và lên phác đồ điều trị, việc phối hợp của bệnh nhân, đặc biệt là theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên là điều vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị. Một số người bệnh cho rằng chỉ cần đo đường huyết lúc đói mỗi lần đi tái khám và HbA1c (chỉ số đánh giá đường huyết trung bình) 3 tháng một lần là đủ, về nhà không cần theo dõi đường huyết tiếp nữa. Quan điểm này là chưa đúng.
Đường huyết lúc đói mỗi tháng một lần và HbA1c 3 tháng một lần chưa đánh giá được đầy đủ tình trạng đường huyết của bệnh nhân. Đo đường huyết mao mạch nhiều lần đánh giá được đầy đủ hơn những đặc điểm khác của đường huyết ở mỗi người bệnh. Thứ nhất, đo đường huyết nhiều lần mới đánh giá được độ dao động đường huyết của người bệnh. Lấy ví dụ 2 bệnh nhân có chỉ số HbA1c như nhau, nhưng có độ dao động đường huyết hoàn toàn khác nhau. Bệnh nhân nào có dao động đường huyết nhiều, như thay đổi nhanh từ mức rất thấp tăng lên mức rất cao trong khoảng thời gian ngắn, tức là tăng – hạ đường huyết quá mức, thì sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng đái tháo đường cao hơn. Tiếp theo, chính đo đường huyết nhiều lần lại giúp tìm ra nguyên nhân của đường huyết cao hoặc bất thường, là do ăn uống hay dùng thuốc chưa hợp lý, hay do nguyên nhân nào khác nữa. Cuối cùng, đo đường huyết còn phát hiện ngay tình trạng hạ đường huyết hoặc nguy cơ hạ đường huyết sắp xảy ra.
Vì đo đường huyết nhiều lần cung cấp những thông tin quý giá như trên nên sẽ đem lại những ích lợi sau:
- Giúp thầy thuốc đánh giá đầy đủ hơn về tình trạng đường huyết của người bệnh, từ đó hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn, đưa ra phác đồ điều trị thuốc phù hợp, luyện tập hợp lý duy trì đường huyết trong khoảng mục tiêu.
- Giúp người bệnh thấy được các loại thức ăn, cách dùng và liều thuốc hạ đường huyết (bao gồm cả insulin), hoạt động thể lực, stress ảnh hường đến đường huyết thế nào, từ đó họ có thể tự điều chỉnh để cải thiện đường huyết của mình.
- Giúp người bệnh nâng cao trách nhiệm tự chăm sóc bản thân, tạo cho họ động lực thực hiện lối sống lành mạnh hơn, tuân thủ điều trị tốt hơn.
- Giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng hạ đường huyết hoặc nguy cơ hạ đường huyết sắp xảy ra, để người bệnh, người nhà xử lý kịp thời tình trạng nguy hiểm này.
Do vậy, lời khuyên là các bệnh nhân đái tháo đường nên trang bị máy đo đường huyết cá nhân và nên đo đường huyết tại nhà. Đo đường huyết mao mạch tại nhà có ưu điểm đơn giản, rẻ tiền và cho kết quả nhanh. Số lần đo đường huyết cần thiết là khác nhau giữa các bệnh nhân.
Vì vậy, người bệnh đái tháo đường hãy xem máy đo đường huyết như là một “người bạn” để giúp chúng ta kiểm soát tốt bệnh của mình.
NÊN LỰA CHỌN MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
Người bệnh cần cân nhắc lựa chọn các máy đo đường huyết cá nhân cho kết quả chính xác và phù hợp với nhu cầu của mình. Vì máy đo đường huyết như là một “người bạn” theo ta trong suốt quá trình điều trị bệnh của mình, nên cần lựa chọn máy đo đường huyết giúp cho việc thao tác thật đơn giản, dễ dàng.
Người bệnh đái tháo đường cần cân nhắc các yếu tố sau để có thể lựa chọn máy đo đường huyết phù hợp cho mình:
- Máy đo đường huyết bạn chọn có chính xác không?
Có rất nhiều dòng máy đo đường huyết trên thị trường, tuy nhiên độ chính xác lại vô cùng khác nhau. Chúng ta cần chọn lựa loại máy đo đường huyết đạt tiêu chuẩn về độ chính xác. Độ chính xác được yêu cầu cho máy đo đường huyết cá nhân phải có độ sai số ±15% (tiêu chuẩn ISO 15197:2013).
- Máy đo đường huyết bạn chọn có dễ sử dụng hay không?
Vì máy đo đối với người bệnh đái tháo đường cần phải sử dụng thường xuyên, hàng tuần, hoặc có thể hàng ngày. Nên cần thiết phải dễ sử dụng để có thể sử dụng thường xuyên, không gây phiền toái đến cuộc sống hàng ngày. Ví dụ về dễ dàng sử dụng như: Cách để giọt máu tiếp xúc với que thử có dễ dàng không? Thời gian đo có nhanh không? Có dễ đọc kết quả hay không? Kết quả có dễ hiểu không? Một số loại máy đo đường huyết có nút đẩy que, thì sau khi đo ta không phải dùng tay rút que thử dính máu ra, sẽ đảm bảo vệ sinh không lây nhiễm cho người khác.
- Máy đo đường huyết bạn chọn có phải là hàng chính hãng và có chế độ bảo hành lâu dài?
- Máy đo đường huyết bạn chọn có được hãng tư vấn/ chăm sóc/ hỗ trợ trong suốt quá trình sử dụng?
- Que thử có dễ tìm mua hay không? Que thử khi lấy máu đo có dễ không?
- Que thử đường huyết có thời gian sử dụng như thế nào?
Một số loại que thử có thời hạn sử dụng tính bằng tháng (2 hoặc 3 tháng) sau khi mở nắp lọ que. Nhưng cũng có loại que thử thì thời hạn sử dụng được tính theo thời hạn sử dụng ghi trên hộp mà không phụ thuộc vào thời điểm mở nắp, tức là sau khi mở nắp thì vẫn được sử dụng đến hết hạn sử dụng trên hộp chứ không phải chỉ 2 – 3 tháng. Điều này rất quan trọng, người dùng nên lưu ý để chọn loại que thử phù hợp mà không bị lãng phí, tốn tiền.
Lựa chọn máy đo đường huyết như thế nào tốt nhất?
TỔNG KẾT
Đo đường huyết tại nhà cung cấp thông tin rất quan trọng cho người bệnh đái tháo đường. Kết quả đo đường huyết đó giúp bênh nhân và thầy thuốc đánh giá tình trạng đường huyết của bệnh nhân (cao, thấp) để điều chỉnh chế độ ăn, thuốc nhằm cải thiện, kiểm soát đường huyết. Ngoài ra việc đo đường huyết tại nhà còn giúp phát hiện sớm các trường hợp hạ đường huyết, hoặc sắp bị hạ đường huyết. Điều này rất quan trọng, vì hạ đường huyết rất đáng sợ.
Đo đường huyết tại nhà có ưu điểm đơn giản, rẻ tiền và cho kết quả nhanh. Cách theo dõi đường huyết tùy theo đặc điểm từng người. Một số đối tượng bệnh nhân đái tháo đường cần phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn bao gồm: (1) Người bệnh có nguy cơ hạ đường huyết cao: ĐTĐ kèm bệnh lý tim mạch, ĐTĐ kèm suy thận, ĐTĐ kèm xơ gan; người bệnh đã từng có hạ đường huyết, đặc biệt là hạ đường huyết thường xuyên, hạ đường huyết nặng; và (2) Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường, bao gồm đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2.
Khi đo đường huyết tại nhà, người bệnh cần phải ghi lại nhật ký đường huyết của mình. Nếu người bệnh chỉ tự đo đường huyết mà không biết cách sử dụng kết quả đó thì lãng phí. Kết quả đo đường huyết tại nhà cần được chia sẻ cho bác sĩ để giúp xử lí các tình huống, dễ dàng theo dõi điều trị cho người bệnh, mang lại chất lượng điều trị tốt hơn, giúp bệnh nhân trọn vui sống cùng đái tháo đường.
TS.BS. LÊ QUANG TOÀN