PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng: Kết hợp y học hiện đại và ý chí để chiến thắng bệnh đái tháo đường

SKNT - Dọc theo những con phố của mảnh đất Tràng An nghìn năm văn hiến vào những ngày đông, chúng tôi tìm gặp PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng - Nguyên là Phó trưởng khoa ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ấn tượng của tôi đầu tiên về thầy là bởi nụ cười nhân hậu, là dáng vẻ nhanh nhẹn và giọng nói ấm áp truyền cảm gợi lên trong tôi hình ảnh của những nhà giáo trên chiếc xe đạp cũ ngày xưa vừa chất phác, mộc mạc lại rất đỗi thân quen, tôi không dám đoán là thầy đã bước sang tuổi 80.

Rời miền đất Quảng Nam từ năm lên 9 tuổi để sinh sống và học tập ở nơi đất khách quê người từ thủa bé, lớn lên trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng người giáo viên ấy vẫn không bao giờ từ bỏ hi vọng, từ bỏ mong muốn được đứng trên bục giảng. Nghề giáo phải chăng là sứ mệnh mà Thầy Trọng phải đảm đương. Đã có thời điểm mà thầy phải rời bục giảng để nhận một nhiệm vụ mới mà cơ quan giao phó, khi được phân công công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương (Sau sát nhập thành Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và hiện nay đổi tên Ban Tuyên giáo Trung ương),  nhưng cuối cùng PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng vẫn trở về với những con chữ, tiếp tục  gắn bó với nghề mà xã hội luôn trân trọng gọi là “nghề cao quý”, được đứng trên bục giảng để truyền tải đến học trò những bài học hay. Tính ra đến nay đã tròn 60 năm công tác và 24 năm sống chung với bệnh đái tháo đường. Chúng tôi có dịp được nghe những chia sẻ quý báu của thầy về căn bệnh đái tháo đường và kinh nghiệm sống khỏe với bệnh để có được sức khỏe ở tuổi 80 như bây giờ. Thầy nói trong thời gian học tập 6 năm tại nước Nga (Liên Xô cũ), đã 3 lần phải vào bệnh viện bởi cảm thấy người mệt mỏi và kiệt sức, nhưng các bác sĩ không chẩn đoán bị đái tháo đường mà kết quả là thầy mắc bệnh về tim mạch, đã có thời gian thầy nằm viện cả tháng trời do mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Sau khi về nước công tác, thầy Trọng tiếp tục thấy trong người vẫn rất mệt mỏi, sút cân, thầy chia sẻ đã có lúc thầy muốn nghỉ ngơi một tháng để lấy lại sức. Sau đó, người con của thầy có hiểu biết về y khoa có nói “có thể ba bị ĐTĐ cần đi kiểm tra xem sao”, khi có kết quả kiểm tra là lượng đường trong máu ở mức rất cao thì PGS.TS Nguyễn Nghĩa Trọng mới biết mình bị mắc bệnh đái tháo đường (người bệnh quen gọi là tiểu đường). Thầy chia sẻ: khi biết mình mắc bệnh thầy rất sợ, ngoài việc khám định kỳ 1 lần/tháng, uống thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ, ai mách phương thuốc nào thầy cũng thử: từ các loại lá, thuốc bắc, dứa dại, chuối hột, thuốc của đồng bào Khơ-me, thuốc của đồng bào Cao Lan... Tuy nhiên "những loại thuốc dân gian đó có vẻ không hợp với tôi" dù thử hết nhưng bệnh không có tín hiệu suy giảm, kiểm tra lượng đường trong máu vẫn ở mức cao. Sau này được bác sĩ điều trị chỉ định tiêm insulin thì lượng đường trong máu đã giảm và ở mức ổn định, đến nay thầy Trọng đã tiêm insulin được 15 năm, và theo dõi khám định kỳ 1 lần/tháng. Thầy nói với chúng tôi, khoảng hơn một năm trước thầy được mách lấy lá xoài non đun nước uống hàng ngày, sau khi thực hiện bài thuốc một thời gian thấy lượng đường trong máu có giảm xuống. Nhưng hơn hết PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng muốn gửi đến những người mắc căn bệnh đái tháo đường kinh nghiệm thực tiễn của bản thân chung sống với bệnh đó là: thầy luôn duy trì ăn uống đúng chế độ của bác sĩ; tập thể dục hàng ngày, mỗi ngày thầy đều tập các bài tập suối nguồn tươi trẻ, vẫy tay đủ 1.800 lần và mỗi ngày đi bộ 3km. Với những ý chí, nghị lực chiến đấu với bệnh tật như vậy nên suốt 24 năm qua chung sống với bệnh đái tháo đường và may mắn hơn nữa bên cạnh thầy có người vợ luôn luôn bên cạnh, động viên, chăm sóc rất chu đáo nên PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng vẫn thấy mình khỏe khoắn và đầu óc minh mẫn làm việc, hiện nay thầy vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh cho sinh viên tại khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vẫn sáng tác và xuất bản nhiều tập thơ đến với độc giả. Giường như đối với người thầy đáng kính này, đồng nghiệp và học trò đều giành một tình cảm trân trọng và thương yêu. Hơn bao giờ hết đó là những tình cảm trân trọng quý mến nhất mà thầy nhận được trong cuộc đời nhà giáo của mình.

 Chia tay chúng tôi thầy khẳng định đinh ninh: “Các em ạ, bệnh tật dù là bất cứ căn bệnh nào, chỉ cần sự kết hợp của y học hiện đại và ý chí của người bệnh thì sẽ chiến thắng mọi bệnh tật”. Và đó cũng là lời chúng tôi muốn chuyển tải đến các bệnh nhân đái tháo đường, hãy tin tưởng vào sự phát triển của y học và tin tưởng vào bản thân để sống khỏe với bệnh tật mọi lúc mọi nơi.

Hiền Trang

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.