Tìm hiểu về bệnh Đái tháo đường týp 1
Video: Trại hè cho trẻ mắc đái tháo đường týp 1
Bệnh Đái tháo đường týp 1
Đái tháo đường là tình trạng khi lượng đường (glucose) trong máu của bạn quá cao. Ở người bệnh Đái tháo đường týp 1, tuyến tuỵ không sản xuất Insulin.
Insulin giúp đưa glucose từ máu vào các tế bào để cung cấp năng lượng. Không có insulin, glucose sẽ tăng cao trong máu. Theo thời gian, glucose trong máu tăng cao có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, biến chứng mắt, biến chứng thận, biến chứng thần kinh, và các bệnh răng miệng.
Bệnh đái tháo đường týp 1 thường xảy ra ở trẻ em và thanh niên, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào.
Nguyên nhân :
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh Đái tháo đường týp 1 vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, người ta thấy các yếu tố gen, vi rút, và tự kháng thể có thể đóng vai trò gây ra Đái tháo đường týp 1. Các tác nhân này tạo nên một phản ứng miễn dịch mà hậu quả là kháng thể được sinh ra thay vì chống lại virus thì nó lại tấn công vào tế bào beta tuyến tụy. Khi tế bào tuyến tụy bị phá hủy vì những kháng thể, nó không còn khả năng sản xuất insulin nữa. Hậu quả là đường glucose trong máu tăng cao.
Chẩn đoán đái tháo đường týp 1
Triệu chứng : có thể bao gồm :
- Khát nước
- Tiểu thường xuyên
- Cảm thấy rất đói hoặc mệt mỏi
- Giảm trọng lượng mặc dù ăn ngon miệng
- Vết thương lâu liền
- Khô da, ngứa da
- Mất cảm giác ở bàn chân hoặc dị cảm
- Giảm thị lực
- Buồn nôn, nôn
Chẩn đoán:
* Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ theo WHO-IDF năm 2010
Dựa theo tiêu chuẩn của WHO-IDF năm 2010. Bệnh ĐTĐ được chẩn đoán khi có một trong ba tiêu chuẩn sau:
+ Nồng độ glucose huyết tương lúc đói (sau ít nhất 8 giờ không ăn) ≥7,0mmol/l (≥126mg/dl).
+ Nồng độ glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥11,1mmol/l (≥200mg/dl) kèm theo các triệu chứng của tăng đường máu như khát, đái nhiều, sút cân chưa rõ nguyên nhân.
+ Nồng độ glucose huyết tương ≥11,1mmol/l (≥200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau uống 75 g đường loại anhydrat hoặc 82,5 g đường loại monohydrat (nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống – Oral Glucose Tolerance Test).
(Tiêu chuẩn trên phải được khẳng định lại vào một ngày khác)
* Xét nghiệm Ketone cũng được sử dụng trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 1. Ketones được sản xuất từ quá trình ly giải mỡ và cơ bắp. Ketone tăng cao là dấu hiệu nguy hiểm, bệnh nhân có thể bị hôn mê toan hóa máu.
Xét nghiệm Ketone nên được thực hiện vào những lần sau đây:
- Khi lượng đường trong máu cao hơn ≥ 13,3 mol/l (là 240mg /dl)
- Khi có bệnh khác như: viêm phổi, đau tim, đột quỵ hay
- Khi xảy ra buồn nôn hay nôn mửa
- Trong thời gian mang thai
* Xét nghiệm các marker miễn dịch :
Kháng thể kháng tế bào tiểu đảo tụy: dương tính trong ĐTĐ týp 1
Anti GAD : dương tính trong ĐTĐ týp 1
Đo Insulin hay C-Peptide trong máu: thấp trong ĐTĐ týp 1
* HbA1c : Bệnh nhân bị Đái tháo đường nên xét nghiệm HbA1c mỗi 3 - 6 tháng. The HbA1c (đường trung bình) là một thước đo trung bình của glucose máu trong vòng 2 - 3 tháng. Nó có thể giúp xác định việc điều trị như thế nào
Điều trị Đái tháo đường týp 1
Điều trị
Các mục tiêu của điều trị trước mắt: là chữa nhiễm ketone acid và đường huyết tăng cao (nếu có).
Mục tiêu điều trị lâu dài là:
- Kéo dài cuộc sống
- Giảm các triệu chứng
- Phòng ngừa các biến chứng do Đái tháo đường gây ra
- Bệnh nhân ĐTĐ týp 1 nên biết cách :
- Tự kiểm tra đường huyết máu
- Tập thể dục
- Chăm sóc chân (cần đi khám bàn chân ít nhất 6 tháng/lần)
- Sử dụng Insulin
- Chế độ ăn thích hợp
Insulin
Tác dụng của Insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách đưa glucose vào trong các tế bào. Tất cả mọi người đều có nhu cầu insulin. Bệnh nhân Đái tháo đường týp 1 tế bào bêta tụy không thể sản xuất đủ insulin. Người bệnh phải được tiêm insulin mỗi ngày.
Insulin thường được tiêm dưới da. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng một bơm insulin liên tục. Ngày nay, Insulin đã có dạng sử dụng bằng đường hít.
Loại Insulin và số lần tiêm trong ngày phải do Bác sỹ chuyên khoa chỉ định dựa vào mức đường huyết của bệnh nhân.
Bệnh nhân Đái tháo đường cần phải biết cách tự điều chỉnh liều insulin trong các tình huống sau đây:
- Khi tập thể dục
- Khi bị bệnh
- Khi ăn nhiều hơn hoặc ít hơn
- Khi đang đi du lịch
Chế độ ăn:
Phải có chế độ ăn phù hợp cho từng bênh nhân dựa vào tuổi, hoạt động thể lực….
Bệnh nhân bị bệnh Đái tháo đường nên được giáo dục về chế độ ăn.
Hoạt động thể lực
Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Những bệnh nhân Đái tháo đường týp 1 phải thận trọng trước khi, trong khi, và sau khi hoạt động thể lực hay tập thể dục.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của mình trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện mới.
Chọn một hoạt động thể lực thích hợp với từng lứa tuổi, cân nặng.
Tập thể dục mỗi ngày và vào cùng một thời gian trong ngày, nếu có thể.
Theo dõi glucose trong máu ở nhà trước và sau khi tập thể dục.
Mang theo thức ăn có chứa carbohydrate trong trường hợp đường huyết quá thấp trong hoặc sau khi tập thể dục.
Uống nhiều nước không chứa đường trước khi, trong khi, và sau khi tập thể dục.
Khi bạn thay đổi cường độ hoặc thời gian tập thể dục của bạn, bạn có thể cần phải sửa đổi chế độ ăn uống của bạn hay thuốc để giữ mức glucose trong máu của bạn trong một phạm vi thích hợp.
Sống chung với Đái tháo đường
Trẻ em bị bệnh đái tháo đường týp 1 phải chú ý đến những thức ăn và những việc phải làm hơn trẻ không có bệnh Đái tháo đường.
Trẻ mắc bệnh đái tháo đường týp 1 cần được giáo dục:
* Cách tự kiểm tra, đánh giá lượng đường trong máu thường xuyên
* Cách tiêm Insulin, hoặc sử dụng một bơm insulin
* Lập một kế hoạch ăn uống lành mạnh để có thể giữ lượng đường trong máu trong mức kiểm soát và phát triển bình thường
* Tập thể dục thường xuyên
* Khám bác sỹ thường xuyên.
* Biết cách chăm sóc bàn chân
Một số biến chứng thường gặp của đái tháo đường týp 1
Hạ đường huyết
Đường huyết thấp còn được gọi là hạ đường huyết. Nó có thể xảy ra do tiêm quá nhiều insulin, tập thể dục quá nhiều, hoặc ăn quá ít thức ăn. Hạ đường huyết thường gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường týp 1 đang điều trị.
Triệu chứng thường xuất hiện khi lượng đường trong máu giảm ≤3,9mmol/l (70mg/dl) .
Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm:
- Nhức đầu
- Đói
- Căng thẳng
- Run tay
- Đổ mồ hôi
- Yếu mệt
- Nhìn mờ
Nếu những triệu chứng này xảy bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu.
Nếu đường huyết thấp, ăn uống những thức ăn chứa đường như: nước trái cây, vài muỗng đường, một ly sữa hoặc nước ngọt.
Sau khi các triệu chứng hết, bạn nên ăn thêm thức ăn khác.
Nếu bị hạ đường huyết nặng hơn nên được điều trị tại bệnh viện.
Cần chỉnh liều insulin thích hợp để tránh hạ đường huyết thường xuyên
Nhiễm ketone máu
Nếu đái tháo đường týp 1 không được điều trị rất dễ xảy ra biến chứng hôn mê do nhiễm ceton acid.
Nguyên nhân: khi không có đủ insulin để đưa glucose vào tế bào, glucose có thể tăng cao trong máu. Khi đó, cơ thể tìm các hình thức khác để tạo năng lượng và sử dụng chất béo như là một nguồn nhiên liệu. Mỡ sẽ bị phân hủy để tạo năng lượng và quá trình này sẽ tạo ra nhiều acetone acid, ketone tăng trong máu và nước tiểu. Gây ra nhiễm cetone acid ( ketoacidosis.)
Các triệu chứng cảnh báo nhiễm cetone acid, bao gồm:
* Thở nhanh, sâu
* Da và miệng khô
* Bừng mặt
* Hơi thở có mùi trái cây
* Buồn nôn hay nôn mửa
* Đau dạ dày
Nếu những triệu chứng này xảy ra, gọi cho bác sĩ hay đi đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu không được điều trị , tình trạng này sẽ dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong.
Các biến chứng Đái tháo đường týp 1 khác
Biến chứng cấp: bao gồm:
* Hạ đường huyết
* Nhiễm cetone acid
Biến chứng mạn tính: bao gồm:
* Rối loạn cương dương
* Biến chứng ở mắt: bệnh võng mạc do đái tháo đường, bong võng mạc, Glaucoma, và đục thủy tinh thể.
* Biến chứng ở chân
* Nhiễm trùng của da, tiết niệu và sinh dục ở nữ
* Bệnh thận (bệnh tiểu đường nephropathy)
* Biến chứng thần kinh do đái tháo đường
* Tai biến mạch máu não
* Bệnh mạch máu, bao gồm thuyên tắc mạch và đột quị
Ths.Bs Đỗ Đình Tùng