Menu
×

Những lưu ý khi thực hiện chế độ ăn uống để dự phòng và điều trị đái tháo đường

Ngày đăng: 20/06/2017 In bài viết này

SKNT - Một điều mà người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cần hiểu rõ là bệnh ĐTĐ được điều trị không chỉ đơn thuần bằng thuốc như một số bệnh khác. Chế độ ăn uống và luyện tập là một phần quan trọng của công tác điều trị bệnh ĐTĐ.

Một điều mà người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cần hiểu rõ là bệnh ĐTĐ được điều trị không chỉ đơn thuần  bằng thuốc như một số bệnh khác. Chế độ ăn uống và luyện tập là một phần quan trọng của công tác điều trị bệnh ĐTĐ.

Chế độ ăn, uống những điều cần biết

Chế  độ ăn uống trong ĐTĐ là một biện pháp điều trị. Trong lịch sử phát triển, chế độ dinh dưỡng cho người ĐTĐ đã qua nhiều thay đổi, tuỳ thuộc vào sự phát triển của khoa học, của những hiểu biết về bệnh ĐTĐ. Trong phạm vi bài này chúng tôi không có ý định giới thiệu sâu hơn. ở đây chỉ xin giới thiệu những quy ước  để người bệnh dễ thực hiện.

- Ăn không chỉ là nhu cầu để duy trì sự sống mà còn là một sự hưởng thụ hạnh phúc của con người.
- Bệnh ĐTĐ không ngăn cản bệnh nhân được thưởng thức những cơ hội đặc biệt trong gia đình, xã hội và tôn giáo.
- Cũng không nên quan niệm rằng chế độ ăn của người ĐTĐ là tốn kém. Trong thực tế, ngày nay chế độ ăn của người ĐTĐ Việt Nam là phù hợp với điều kiện thực tế thu nhập của đa số người mắc bệnh.
- Để có chế độ ăn thích hợp cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thày thuốc (đặc biệt là chuyên khoa dinh dưỡng) và bệnh nhân. Sự ân cần, thông cảm, tỉ mỉ và kiên trì là điều kiện để đảm bảo có một chế độ ăn phù hợp cho mỗi cá thể.
- Một chế độ ăn thích hợp phải đáp ứng được các yêu cầu:

+ Đủ calo cho hoạt động sống bình thường
+ Tỉ lệ thành phần các chất đạm, mỡ, đường cân đối
+ Đủ vi chất
+ Chia bữa ăn cho phù hợp với thay đổi sinh lý
+ Phối hợp với thuốc điều trị và luyện tập.

Tại sao việc ăn theo chế độ lại quan trọng như vậy? Đó là vì:

- Không để tạo ra sự dư thừa năng lượng. Thừa năng lượng là nguyên nhân gây bệnh béo phì? Cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh khác như rối loạn lipid máu,... làm bệnh ĐTĐ nặng thêm lên nhiều lần.
- Có ăn đúng chế độ mới duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng.

Như vậy, không thể có một chế độ ăn chung cho tất cả mọi người mắc bệnh ĐTĐ. Một chế độ ăn phù hợp riêng cho mỗi người phải dựa vào sở thích cá nhân, đặc điểm hấp thu của cá nhân đó, thậm chí phải dựa trên cơ sở phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng. Để có một chế độ như vậy, không chỉ cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa thày thuốc và bệnh nhân, mà còn cần phải có thời gian nhất định.

Ghi nhớ: Phủ tạng, thần kinh và mạch máu ngoại vi sẽ bị hư hại nếu lượng đường trong máu cao thường xuyên và dao động.

Ăn như thế nào là đủ?

Đó là đủ nhu cầu calo cho hoạt động bình thường của người bệnh. Trong những trường hợp đặc biệt khác như lao động nặng nhọc, luyện tập thể thao,.... cần bổ sung thêm một lượng calo cho thích hợp, đồng thời phải đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất vi lượng.

Cần nhắc lại rằng chế độ ăn trong ĐTĐ là một biện pháp điều trị. Trong lịch sử phát triển, chế độ dinh dưỡng cho người ĐTĐ qua nhiều thay đổi, tuỳ thuộc vào sự phát triển của khoa học, của những hiểu biết về bệnh ĐTĐ.

Theo nhiều nghiên cứu nhu cầu năng lượng cho hoạt động bình thường ở nữ là từ 30 – 35 calo/kg/ngày; ở nam là từ 35 – 40 calo/kg/ngày. Điều này có nghĩa là một bệnh nhân nữ nặng 50kg, cần tổng lượng calo là 1500 – 1750 calo/24 giờ. Tổng lượng calo này lại được chia ra với các tỉ lệ khác nhau về đường, mỡ, đạm cho phù hợp.

Một số điểm cần lưu ý:

- Người bệnh không được tự ý đặt chế độ ăn kiêng chống béo cho mình mà phải do bác sĩ chỉ định hoặc đồng ý.
- Chế độ ăn, số lượng bữa ăn phụ thuộc vào liều lượng và số lần tiêm insulin.

11 lời khuyên về chế độ ăn cho người đái tháo đường:

1. Giữ lịch các bữa ăn đúng giờ, chỉ ăn thịt tối đa (trong khuôn khổ cho phép) trong 2 bữa, các bữa còn lại ăn rau và các sản phẩm ngũ cốc.
2. Loại bỏ thức ăn chứa nhiều mỡ
3. Rất lợi nếu trong bữa ăn có nhiều thức ăn ít năng lượng. Thí dụ: Rau, nấm khô, dưa chuột...
4. Không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn.
5. Làm mọi việc để gây cảm giác ngon miệng khi ăn.
6. Ăn chậm, nhai kỹ.
7. Không ăn nhiều, phải luôn nhắc nhủ rằng mình đang thưởng thức đồ ăn.
8. Chế biến thức ăn dạng luộc, nấu là chính, không rán, rang với mỡ.
9. Khi cần phải ăn kiêng và hạn chế số lượng, phải giảm dần thức ăn theo thời gian. Khi đã đạt mức yêu cầu nên duy trì một cách kiên nhẫn, không bao giờ được tăng lên.
10. Phải tôn trọng nguyên tắc chế độ ăn là :

  • Thức ăn đa dạng, nhiều thành phần
  • Ăn đủ để có trọng lượng cơ thể vừa phải
  • Hạn chế ăn chất béo, đặc biệt là mỡ động vật.
  • Có một lượng chất xơ vừa phải
  • Hạn chế ăn mặn
  • Tránh các đồ uống có rượu.

11. Nên có bữa ăn phụ trước khi đi ngủ.

Việc điều trị đái tháo đường có đạt được hiệu quả hay thì phải có sự kết hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Khi đã có đơn thuốc đúng thì sự tuân thủ đơn thuốc và tái khám đúng hẹn là quan trọng nhất.

PGS.TS Tạ Văn Bình