Menu
×

Hỏi - đáp cùng chuyên gia

Ngày đăng: 03/08/2022 In bài viết này

SKNT - Bạn đang băn khoăn không biết mình có bị mắc Đái tháo đường không? Bạn đang lo lắng không biết chăm sóc người thân của mình như thế nào khi họ mắc Đái tháo đường? Bạn đang hoang mang vì chưa biết làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng cũng như có thể ":sống vui, sống khỏe" với căn bệnh được coi là"kẻ giết người thầm lặng"?. Tất cả những thắc mắc của các bạn sẽ được các chuyên gia của Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam giải đáp một cách nhanh nhất , chính xác nhất nhằm hướng tới mục tiêu "nâng cao hiểu biết về bệnh Đái tháo đường để hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh".

1) Đái tháo đường có chữa khỏi được không?

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính và không thể chữa khỏi. Cho tới nay không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hẳn bệnh đái tháo đường. Điều trị được bệnh đái tháo đường có nghĩa là kiểm soát tốt đường huyết (thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc) và kiểm soát tốt biến chứng; kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,… phát hiện sớm và điều trị tích cực khi biến chứng xảy ra.

2) Tiền ĐTĐ có chữa được khỏi hẳn không?

Khác với người mắc bệnh đái tháo đường thực thụ, người mắc tiền đái tháo đường vẫn có cơ hội trở về đường huyết như người bình thường. Nếu được điều trị dự phòng tốt thì có thể 50-65% người tiền đái tháo đường trở về bình thường. Tuy nhiên nếu không được điều trị, dự phòng thì sau 5 năm có thể có hơn 50% người tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường thực thụ (đái tháo đường lâm sàng).

3) Tôi mắc ĐTĐ có thuốc nào chữa được khỏi hoàn toàn không?

Chào bạn! Như chúng tôi đã trả lời nhiều câu hỏi tương tự và có thể khẳng định cho tới nay không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hẳn bệnh đái tháo đường. Mục tiêu của điều trị bệnh đái tháo đường là kiểm soát tốt đường huyết (thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc) và kiểm soát tốt biến chứng; kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,… phát hiện sớm và điều trị tích cực khi biến chứng xảy ra.

4) Tôi đang điều trị bằng thuốc metformin, trong lúc mắc bệnh về gan. Liệu có ảnh hưởng tới gan không?

Bất kỳ loại thuốc nào được đưa vào cơ thể cũng có tác động đến gan, mức độ tác động ít hay nhiều tùy từng loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng. Do vậy Thày thuốc sẽ phải cân nhắc giữa mặt có lợi và có hại để quyết định có chỉ định cho người bệnh dùng thuốc hay không. Cũng như vậy tùy thuộc vào tình trạng cụ thể bệnh gan của bạn như thế nào mới có thể chỉ định cho dùng thuốc metformin hay không. Thông thường, nếu men gan tăng trên 3 lần hoặc suy gan sẽ không có chỉ định dùng thuốc  metformin.

5) Tôi bị bệnh về gan, nghe nói thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống vậy tôi có nên chuyển sang tiêm không?

Thuốc tiêm hay thuốc uống đều có mặt tốt và mặt không tốt. Trách nhiệm của Thày thuốc là phải cân nhắc rất kỹ giữa mặt có lợi và mặt có hại để chỉ định cho bệnh nhân, nhất là các trường hợp có bệnh kèm theo như suy gan, suy thận; còn trách nhiệm của người bệnh là phối hợp tốt với thày thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn.

6) Tôi mới được chẩn đoán mắc đái tháo đường, nên tôi không muốn uống thuốc, mà chỉ ăn kiêng và tập thể dục có được không?

Thông thường người bệnh đái tháo đường để kiểm soát tốt đường huyết bắt buộc phải dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của cả 3 yếu tố: dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Ngay kể cả với một số trường hợp mắc tiền đái tháo đường đã phải can thiệp điều trị bằng cả dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Nếu đã được chỉ định uống thuốc thì người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc vì có thể gây ra những biến động lớn về lượng đường trong máu, dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe, mất đi cơ hội điều trị tốt ở giai đoạn đầu của bệnh. Với các trường hợp đáp ứng điều trị tốt, bác sĩ có thể sẽ xem xét để giảm liều thuốc từ từ và tối giản liều đến mức cần thiết.

7) Tôi mắc đái tháo đường, lại đau khớp gối; nghe nói đi bộ và chạy bộ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường vậy tôi có nên làm như vậy không?

Dù là thực hiện phương pháp tập thể dục nào, người đái tháo đường cũng nên tham khảo bác sĩ của mình và phải được thăm khám bàn chân trước khi bắt đầu liệu trình tập. Với trường hợp đau khớp gối hoặc có biến chứng bàn chân thì nên chọn phương pháp tập thể dục khác như bơi lội, đạp xe, tập dưỡng sinh hoặc yoga.

8) Đái tháo đường có nên ăn đu đủ hoặc quả na chín không?

Ăn uống rất quan trọng đối với người đái tháo đường, việc ăn uống đúng giúp duy trì sự ổn định của đường huyết và giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Ăn trái cây đúng cách sẽ giúp người bệnh đái tháo đường có được sức khỏe tối ưu nhất, không nên quan niệm sai lầm là kiêng hoa quả, kể cả hoa quả ngọt. Các loại trái cây  là nguồn cung cấp lượng nước, đường, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất rất cần thiết và tốt cho cơ thể giúp tăng sức đề kháng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh. Với hoa quả ngọt như đu đủ có thể ăn 1-2 miếng (lát), na chín có thể ăn nửa quả và nên cách bữa ăn chính ít nhất từ 30 phút đến 2 tiếng.

9) Tôi có nên ăn kiêng cơm trong khi điều trị đái tháo đường không?

Bệnh nhân đái tháo đường luôn được khuyến cáo chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp; tức là sau khi ăn thực phẩm đó không làm chỉ số đường máu quá mức.

Cơm là những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tuy nhiên, người đái tháo đường không nhất thiết phải nhịn hoàn toàn tinh bột; vẫn có thể ăn cơm hàng ngày nhưng chỉ ở mức độ hạn chế, nên ăn cơm chính vào buổi sáng, ăn hạn chế cơm bữa trưa và tối, nếu đói có thể ăn thay thế bằng thịt, cá và tăng cường ăn rau lá và trái cây (loại không chứa nhiều vị ngọt).

10) Đường máu của tôi khi uống thuốc đã xuống 4,5 mmol/l, tôi có nên uống thuốc điều trị đái tháo đường nữa không?

Thông thường người bệnh đái tháo đường sẽ phải chung sống với thuốc suốt cả cuộc đời, và phải dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của cả 3 yếu tố: dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Mức đường huyết như hiện nay đạt được là do chế độ ăn uống, tập luyện và đáp ứng tốt với thuốc điều trị vì vậy bạn cần tiếp tục duy trì. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc điều trị, đây là điều tối kị với bệnh nhân đái tháo đường, có thể gây ra những biến chứng do đường dao động, dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe. Bác sĩ điều trị là người sẽ xem xét để giảm liều thuốc từ từ và tối giản liều đến mức cần thiết.

Phụ trách chuyên mục Hỏi -  đáp cùng chuyên gia

PGS. TS. BS Tạ Văn Bình

Ths. BS Đỗ Đình Tùng