Menu
×

Thử xem bạn đã mắc tiền đái tháo đường chưa

Ngày đăng: 29/06/2017 In bài viết này

SKNT - Tiền ĐTĐ đang trở thành vấn đề sức khỏe chính toàn cầu do người tiền ĐTĐ có nguy cơ rất cao phát triển thành bệnh ĐTĐ thực thụ cũng như nguy cơ tăng cao về các bệnh lý tim mạch. Theo ước tính của IDF chỉ tính riêng các đối tượng rối loạn dung nạp glucose của năm 2013 là 316 triệu người (6,9%), ước tính con số này sẽ tăng lên 471 triệu người (8,0%) vào năm 2035.

Tiền ĐTĐ đang trở thành vấn đề sức khỏe chính toàn cầu do người tiền ĐTĐ có nguy cơ rất cao phát triển thành bệnh ĐTĐ thực thụ cũng như nguy cơ tăng cao về các bệnh lý tim mạch. Theo ước tính của IDF chỉ tính riêng các đối tượng rối loạn dung nạp glucose của năm 2013 là 316 triệu người (6,9%), ước tính con số này sẽ tăng lên 471 triệu người (8,0%) vào năm 2035.

Khái niệm giảm dung nạp glucose được giới thiệu vào năm 1979 thay cho thuật ngữ “đái tháo đường giới hạn”; giảm dung nạp glucose được WHO và Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) xem là giai đoạn tự nhiên của rối loạn chuyển hóa carbohydrate (chuyển hoá đường).

Theo phân loại của WHO vào năm 1985, những khái niệm tăng glucose máu khác chưa có nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ được xem như một thể lâm sàng của rối loạn dung nạp glucose. Rối loạn glucose máu lúc đói hay suy giảm dung nạp đường máu lúc đói (IFG) là thuật ngữ được giới thiệu vào năm 1999. Sau đó, khái niệm tiền ĐTĐ đã được Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe và Con người của Mỹ (HHS) và ADA đưa ra vào tháng 3 năm 2002 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ngày càng lan rộng này. Năm 2008, ADA có sự đồng thuận của WHO đã đặt tên chính thức là tiền đái tháo đường (Pre-diabetes).

Các thuật ngữ khác trước đây cũng hay thường được dùng như “Đái tháo đường tiềm tàng”, “Đái tháo đường sinh hoá”, “Đái tháo đường tiền lâm sàng” để chỉ các trường hợp rối loạn dung nạp glucose mà chưa có biểu hiện lâm sàng. Ngày nay khái niệm “tiền đái tháo đường” được công nhận và sử dụng rộng rãi để chỉ các hình thái rối loạn chuyển hoá carbonhydrat của cơ thể là rối loạn glucose máu lúc đói (IFG) và rối loạn dung nạp glucose (IGF).

Tại Việt Nam, điều tra của Trần Hữu Dàng và cộng sự (cs) tại Thành phố Huế ở lứa tuổi >15 năm 1996 cho tỉ rối loạn dung nạp glucose là 1,45%. Năm 2001 Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều tra tại 4 thành phố lớn Hà nội, Hải phòng, Đà nẵng, TP.HCM cho kết quả tỉ lệ rối loạn glucose máu lúc đói và rối loạn dung nạp glucose chung là 5,9%.

Ngay từ thời kỳ này, người tiền ĐTĐ đã có nhiều nguy cơ tim mạch nên tiền đái tháo đường cũng đang thực sự trở thành gánh nặng kinh tế cho cả xã hội, cho mỗi bản thân và gia đình người bệnh. Cần phải có những biện pháp điều trị và dự phòng hiệu quả ngay ở giai đoạn tiền ĐTĐ để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ và các biến chứng của bệnh.

Theo WHO – IDF 2008 cập nhật 2010 thì tiêu chuẩn để chẩn đoán tiền ĐTĐ như sau:

- Rối loạn dung nạp glucose (IGT), nếu mức glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu đường uống từ 7,8mmol/l (140mg/dl) đến 11,0mmol/l (198mg/dl).

- Rối loạn glucose máu lúc đói (IFG), nếu lượng glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 6,1 mmol/l (100mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125mg/dl).

- Lưu ý nếu theo tiêu chuẩn của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) thì IFG được chẩn đoán khi đường huyết tương lúc đói từ 5,6 mmol/l đến 6,9 mmol/l.

- Tiêu chí chẩn đooán tiền ĐTĐ dựa vào HbA1c theo ADA cập nhật năm 2012 và chính thức được WHO công nhận vào năm 2016: chẩn đoán mắc tiền ĐTĐ khi HbA1c từ 5,7% đến 6,4%. Tuy nhiên, xét nghiệm phải được tiến hành trong một cơ sở xét nghiệm sử dụng phương pháp xét nghiệm đã được Chương trình Chuẩn hóa Glycohemoglobin Quốc gia Mỹ (NGSP) cấp giấy chứng nhận và chuẩn hóa theo kỹ thuật xét nghiệm dụng trong nghiên cứu DCCT.

Ths.Bs Đỗ Đình Tùng