Menu
×

Những điều cần biết về tiền đái tháo đường

Ngày đăng: 03/08/2022 In bài viết này

Tiền đái tháo đường là một dạng rối loạn về chuyển hóa đường glucose khiến chỉ số đường huyết tăng cao, tuy nhiên vẫn chưa được coi là bệnh tiểu đường. Bệnh sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 và gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý về lối sống và chế độ dinh dưỡng.

1. Tiền đái tháo đường là gì?

Bình thường lượng glucose (đường) trong máu khi đói (nhịn ăn ít nhất 8h) là từ 70-100mg/dL. Tiền đái tháo đường hay còn được gọi là tiền tiều đường, đôi khi còn được xem như là rối loạn glucose khi đói hay rối loạn dung nạp glucose.

Bệnh nhân được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường khi lượng glucose trong máu khi đói cao hơn 126mg/dL.

Bạn bị tiền đái tháo đường khi lượng glucose trong máu khi đói là từ 100-125 mg/dL, nghĩa là lượng glucose trong máu cao hơn bình thường.

Tiền đái tháo đường được xem như là rối loạn glucose khi đói hay rối loạn dung nạp glucose. Đây là sự kết hợp giữa rối loạn quá trình sản sinh insulin và độ nhạy của insulin giảm. Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường cũng như bệnh tim mạch nếu bị rối loạn dung nạp đường máu.

Nguyên nhân của bệnh tiền tháo đường là do insulin không được tạo ra đủ sau khi ăn hoặc cơ thể không hấp thụ được insulin, khiến cho đường sẽ tích tụ trong máu, khiến cho nồng độ đường cao lên.

2. Dấu hiệu của tiền đái tháo đường

Xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất  để có thể xác định được bệnh

Tiền đái tháo đường không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu gì. Xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất để có thể xác định được bệnh, thử glucose trong máu khi đói.

Một số trường hợp sẽ có các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, khát, thay đổi màu da. Bệnh nhân bị tiền đái tháo đường có xu hướng màu da bị tối hơn, đặc biệt là vùng quanh cổ, nách, đầu gối, khủy tay, khớp ngón tay.

Một số đối tượng có nguy cơ bị tiền đái tháo đường như:

  • Lối sống ít hoạt động
  • Chỉ số BMI > 25 kg/m2
  • Đối tượng trên 45 tuổi
  • Có người thân mắc bệnh đái tháo đường
  • Bị bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai hoặc bạn sinh ra bé nặng hơn 3.6 kg
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang, một số triệu chứng như kinh nguyệt không đều, béo phì..
  • Đối tượng bị huyết áp cao
  • Mỡ trong máu cao hơn so với chỉ số bình thường
  • Đối tượng đã từng bị rối loạn lipid máu: giảm HDL cholesterol hoặc tăng Triglycerid
  • Đối tượng thuộc các chủng tộc châu Phi, châu Á...

3. Điều trị tiền đái tháo đường

Yếu tố quan trọng nhất là bạn phải giảm cân nếu thừ cân

Phương pháp điều trị đái tháo đường hiệu quả chính là thay đổi lối sống gồm việc thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và vận động thường xuyên.

Yếu tố quan trọng nhất là bạn phải giảm cân bởi nếu thừa cân, bệnh nhân bị tiền đái tháo đường sẽ có nhiều khả năng thành bệnh đái tháo đường.

  • Chế độ ăn uống hợp lý: 

 Để duy trì cân nặng phù hợp và giảm cân ở những đối tượng bị béo phì, cần có chế độ ăn phù hợp.

Đảm bảo cơ thể được hấp thụ đủ các dưỡng chất cần thiết.

Sử dụng những thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ngũ cốc còn nguyên, gạo không chà trắng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giảm hấp thụ cholesterol trong máu, sử dụng dầu thực vật thay mỡ động vật.

Nên hạn chế ăn đạm từ động vật ( có trong bơ, mỡ, phủ tạng động vật, thị nạc, thịt đỏ) có thể ăn cá và đạm từ thực vật

Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol nhằm phòng ngừa xơ vữa động mạch có trong mỡ động vật, lòng, đồ ăn nhanh như gà rán, snack...

Khi chế biến món ăn nên giảm nêm muối, tránh dùng thêm các loại nước chấm, việc sử dụng các đồ ăn sẵn cần hạn chế như thịt hộp, cà muối, dưa muối...

Hạn chế sử dụng nước ép trái cây, nước ngọt, bánh kẹo...

Hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích...

  • Luyện tập thể dục thường xuyên:

Việc luyện tập thể dục thường xuyên giúp bạn duy trì cân nặng, giảm cân ở những đối tượng bị thừa cân, béo phì, giảm việc tích tụ mỡ thừa, tình trạng rối loạn dung nạp đường được giảm, phòng ngừa bệnh loãng xương

Cường độ luyện tập thể dục phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng đối tượng, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. Nên tập luyện ở cường độ trung bình rồi nâng dần lên. Một số hình thức tập luyện dễ thực hiện như đi bộ, bơi lội...

  • Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm đái tháo đường

Có khoảng trên 50% đối tượng bị tiền đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong 5-10 năm. Vì thế, bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn hợp lý và tập luyện phù hợp, bạn cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh để phát hiện bệnh sớm nhằm có hướng điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra.

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc để điều trị tình trạng rối loạn glucose khi đói nhằm ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Thuốc được thử nghiệm gồm metformin, acarbose, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II.

Những người mắc tiền đái tháo đường thường ít phát hiện ra bệnh nếu chỉ dựa vào dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi và khám định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời tránh nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

TẠP CHÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG