Menu
×

Hội chứng chuyển hoá ai là người dễ mắc?

Ngày đăng: 23/06/2017 In bài viết này

SKNT - Được Gerald Reaven mô tả năm 1998, với tên gọi “Hội chứng X”, bao gồm một nhóm các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành như tăng huyết áp, béo phì, tăng triglycerid và hạ HDL-c trong máu

1. Khái niệm

Được Gerald Reaven mô tả năm 1998,  với tên gọi  “Hội chứng X”, bao gồm một nhóm các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành như tăng huyết áp, béo phì, tăng triglycerid và hạ HDL-c trong máu. Ngay từ khi vừa mới được công bố, hội chứng này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới y học. Thậm chí có nhiều người đã từng đặt câu hỏi “Hội chứng chuyển hoá có phải là sự huyễn hoặc?”. Trong thực tế, hội chứng này bao gồm một nhóm các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp trong các bệnh “có tính chất chuyển hoá” – nhất là nhóm bệnh Nội tiết – Tim mạch. Cũng trong thời gian này nhiều tác giả với những nghiên cứu khác nhau đã từng bước thống nhất các tên gọi, các tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể là:

- Hội chứng chuyển hoá (Metabolism syndrom)

- Hội chứng rối loạn chuyển hoá (Dysmetabolism syndrom)

- Hội chứng kháng insulin (insulin resistance syndrom )

- Hội chứng X ( X syndrom)

Nhìn chung các tác giả, sau này là nhóm các tác giả, xuất phát từ mục đích nghiên cứu của mình để đưa ra những tiêu chuẩn riêng biệt, phục vụ cho mục tiêu phòng chống bệnh tật mà nhóm đó nghiên cứu. Song thực tế, ngoài phần riêng, đặc điểm của mình, họ đều có những tiêu chí chẩn đoán chung. Cũng năm 1998, một nhóm các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định vị trí của hội chứng này và gọi là “Hội  chứng chuyển hoá” đồng thời khuyến cáo không nên gọi là “hội chứng kháng insulin”. Các chuyên gia đã nêu nguyên nhân chính của việc gọi tên này là do hiện tượng kháng insulin không phải là nguyên nhân cơ bản của tất cả các yếu tố nguy cơ tạo nên hội chứng.

2. Tỉ lệ người mắc hội chứng chuyển hoá

Như vậy, theo các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau khác nhau sẽ có sự khác nhau về tỉ lệ mắc bệnh. Ví dụ tỉ lệ nam giới có hội chứng chuyển hoá tính theo tuổi là:

- Nam ở lứa tuổi < 40 theo tiêu chuẩn WHO có 11,0%; nhưng theo tiêu chuẩn châu Âu có 15,0% số người có hội chứng chuyển hoá.

- Nam ở tuổi 40-55 tiêu chuẩn của WHO có 16,0%, còn theo tiêu chuẩn  châu Âu là 23%

- Nam ở tuổi >55 tiêu chuẩn của WHO có 23,0%, còn theo tiêu chuẩn châu Âu là 33,0%.

3. Tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH

Có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau, tuỳ thuộc vào nhóm các tác giả. Chúng tôi xin giới thiệu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau để bạn đọc tham khảo .

3.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

A-  Tiêu chí bắt buộc là kháng insulin: Được xem là có kháng insulin khi có một trong các biểu hiện sau:

+ ĐTĐ týp 2.

+ Rối loạn dung nạp glucose máu (IGT)

+ Rối loạn đường máu lúc đói (IFG).

+ Đường máu bình thường nhưng có tăng        insulin máu

B- Các tiêu chí khác

- Tăng huyết áp: (tâm thu >=140mmHg và/hoặc tâm trương >=90 mmHg)

- Rối loạn lipid máu

+ TG >1,7 mmol/l và /hoặc

+ HDLc <1,0 mmol/l (với nữ) < 0,9 mmol/l(với nam)

- Béo bụng:

+ Tỉ lệ vòng eo/vòng hông (WHR) >0,9 (với nam); >0,85 ( với nữ)

+ Hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) >30 ( với người châu Âu, châu Mĩ)  BMI >27 (với người châu á).

- Microalbumin niệu dương tính

Để chẩn đoán xác định có hội chứng chuyển hoá buộc phải một trong 4 điểm của tiêu chí A và từ 2 điểm trở lên của tiêu chí B.

3.2. Tiêu chuẩn của  ATPIII  của Chương trình giáo dục về cholesterol quốc gia của Hoa kỳ (NCEP: National  Cholesterol  Education         Program).

+ Đường máu lúc đói >=6,1mmol/l

+ Huyết áp 130/85 mmHg

+ Triglycerid >1,7 mmol/l (>=150 mg/dl).

+ HDL-c    <1,0 mmol/l ở nam; < 1,3mmol/l ở nữ

+ Béo bụng:   Vòng eo: >102cm (với nam); >88cm (với nữ)

Để xác định có hội chứng chuyển hoá phải có từ 3 tiêu chuẩn trở lên.

3.3. Tiêu chuẩn của Hội các nhà Nội tiết học Lâm sàng Mỹ (American Association of Clinical Endocrinologists).

+ Thừa cân/ béo phì ( BMI >=25).

+ Tăng Triglycerid >=1,7 mmol/l (>=150 mg/dl).

+ HDL-C thấp: Nam <1,04 mmol/l ( <40 mg/dl) và Nữ <1,20 mmol/l ( <50 mg/dl).

+ Tăng huyết áp: >=130/85 mmHg.

+ Nồng độ Glucose máu sau thời 2 giờ của Nghiệm pháp tăng đường máu bằng đường uống >7 ,8 mmol/l.

+ Đường máu lúc đói từ 6,1 đến 7,0 mmol/l.

+ Các yếu tố nguy cơ khác cũng được tham khảo như tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ týp 2; có tăng huyết áp; có mắc bệnh tim mạch; có hội  chứng buồng trứng đa nang; hoặc lối sống tĩnh tại, tuổi cao, hoặc ở trong nhóm người có yếu tố nguy cơ cao giống như người mắc bệnh ĐTĐ.

3.4. Tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu về kháng insulin của châu Âu (EGIR= European Group for the study of insulin resistance).

A -  Tiêu chí bắt buộc có tăng insulin máu

B -   Các tiêu chí khác

- Tăng glucose máu: Glucose huyết lúc đói   >=6,1 mmol/l

- Tăng huyết áp:  Huyết áp tâm thu   >=140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương  >=90mmHg;  hoặc đã điều trị thuốc hạ áp.

- RLCH Lipid khi :

     +  TG >2,0 mmol/l              

     + HDL<1,0mmol/l

     Hoặc + Đã điều trị RLLM

- Béo bụng khi vòng eo >90cm với nam   > 80cm với nữ.

Để chẩn đoán xác định phải có tăng insulin máu (tiêu chí A) với ít nhất hai điểm của tiêu chí B.

Ths.Bs Phạm Thúy Hường

Bài viết cùng chuyên mục