Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Ớt khô bảo quản sơ sài, không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội (ảnh cắt từ clip)
20% mẫu ớt bột có hàm lượng aflatoxin vượt ngưỡng
Ớt khô là gia vị quen thuộc của nhiều món ăn hiện nay. Từ ớt khô, người ta có thể chế biến thành ớt bột, ớt xào hay sa tế. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm mới đây của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, tất cả các mẫu ớt khô được thu thập ngẫu nhiên tại các chợ của 5 tỉnh, thành phía Nam (TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai), từ tháng 5 -6/2017, đều chứa độc chất aflatoxin gây ung thư. Cụ thể, trong số 48 mẫu ớt khô chứa aflatoxin, có 45 mẫu không có bao bì và không có xuất xứ rõ ràng, 3 mẫu còn lại có bao bì nhưng sản xuất theo quy trình thủ công; 20% số mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép (hơn 5 microgam/kg).
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng nhiễm nấm mốc mang độc tố aflatoxin, là do ớt được thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản theo phương pháp thủ công mà không có bất cứ sự kiểm soát nào về nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Một chủ hàng tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) thật thà cho biết: “Nhà chị không bán ớt quả khô, vì hàng này rất dễ hỏng, hở ra chút là mốc ngay, không để được.” Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng bày bán ớt nguyên liệu khác, hàng chỉ được đựng trong những túi nylon lớn treo từ ngày này qua tháng khác. Chị T - một chủ hàng cho hay: “Cứ cho vào túi treo lên thì lo gì mốc, để cả năm cũng không sao”. Thế nhưng, theo quan sát, bịch ớt khô mua tại cửa hàng này đã xuất hiện nhiều đốm đen lạ và có lẫn rất nhiều quả thối. “Không sao đâu, nhà hàng vẫn mua về nghiền nhỏ làm ớt xào, sa tế đấy”, chị T. cho biết.
Lượng nhỏ aflatoxin cũng cực độc
Theo Th.s, BS. Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y 103), aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Đáng nói, độc tố aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường, có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng. “Loại nấm mốc này có khả năng gây độc tính cấp và mạn; nguy hiểm nhất là khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Các nghiên cứu ở những vùng có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan”, BS. Đằng cho biết.
Các chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM đề nghị cần có một chương trình giám sát aflatoxin trong mẫu ớt khô cả dạng nguyên quả và dạng bột; cần kiểm soát việc thu hoạch, chế biến và vận chuyến, bảo quản để hạn chế nguy cơ nhiễm nấm độc.
Nói về liều lượng aflatoxin gây nguy hại cho con người, PGS. TS. Đinh Duy Kháng (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết: “Có nhiều tài liệu cho rằng, sự nguy hiểm của aflatoxin B1 là ở chỗ nó có khả năng gây hại chỉ với liều lượng rất nhỏ, 1kg thức ăn chỉ cần nhiễm 2 miligam (với lượng chỉ đủ dính trên đầu móng tay) cũng đã đủ làm hỏng gan. Tuy nhiên, điều này chưa chính xác. Chất aflatoxin là độc nhất trong các chất cực độc nên chỉ tính bằng lượng microgam tức 1 phần triệu gam. Nếu 1kg dính 2 miligam vẫn là quá nhiều!”.
Trước đó, một nghiên cứu về các “yếu tố nguy cơ gây ung thư gan nguyên phát” đã cho thấy, có aflatoxin trong tổ chức gan của 83,3% số bệnh nhân ung thư gan nguyên phát đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị; 17% bệnh nhân có cùng lúc hai yếu tố aflatoxin và viêm gan virus; 13% mang cùng lúc ba yếu tố aflatoxin, rượu, thuốc lá. “Tỉ lệ aflatoxin trong tổ chức gan của 83,3% bệnh nhân cho thấy ung thư gan thứ phát ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với nhiễm aflatoxin qua đường ăn uống”, nhóm nghiên cứu nhận định”.
Nguồn giao thông