Menu
×

Tìm hiểu biến chứng võng mạc qua các câu hỏi thường gặp

Ngày đăng: 22/06/2017 In bài viết này

SKNT - Đái tháo đường “là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu, do hậu quả của việc thiếu/hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc là có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và/hoặc giảm hoạt động của insulin” gắn liền với các biến chứng do tăng đường máu. Ngay từ khi được chẩn đoán ĐTĐ người bệnh đã có nhứng biến chứng bao gồm bệnh võng mạc ĐTĐ - một trong những những nguyên nhân chính gây mờ mắt ở người lớn tuổi.

Đái tháo đường “là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu, do hậu quả của việc thiếu/hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc là có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và/hoặc giảm hoạt động của insulin” gắn liền với các biến chứng do tăng đường máu. Ngay từ khi được chẩn đoán ĐTĐ người bệnh đã có nhứng biến chứng bao gồm bệnh võng mạc ĐTĐ - một trong những những nguyên nhân chính gây mờ mắt ở người lớn tuổi.

1. Bệnh võng mạc ĐTĐ là gì?

   Bệnh võng mạc ĐTĐ là sự rối loạn của các mạch máu ở võng mạc của bệnh nhân mắc ĐTĐ. Nó là một trong những nguyên nhân chính gây mù loà ở người trưởng thành tại các nước phát triển.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh Võng mạc ĐTĐ?

+ Bệnh võng mạc ĐTĐ gây tổn thương đầu tiên trên nền võng mạc một cách âm thầm trong nhiều năm, được xem là giai đoạn sớm của bệnh võng mạc ĐTĐ. Ở giai đoạn này, các đốm xuất huyết nhỏ hay mỡ lắng đọng xuất hiện trên võng mạc.

+ Tăng sinh võng mạc phát triển trên nền võng mạc là nguyên nhân chính gây mất thị lực ở bệnh nhân ĐTĐ. Ở giai đoạn này, các mạch máu mới phát triển trên bề mặt võng mạc và dây thần kinh thị giác. Những tân mạch này có đặc điểm rất dễ vỡ. Khi vỡ thành mạch, máu có thể chảy vào võng mạc và dịch kính. Trong giai đoạn muộn hơn các mạch máu bất thường và mô sẹo võng mạc tiếp tục phát triển có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như co kéo gây bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp.

3. Làm thế nào để biết được bị biến chứng võng mạc  ở người bệnh ĐTĐ?

+ Mắt người bệnh có thể dần dần mờ đi mà không nhận biết được. Ở một vài bệnh nhân, những mạch máu nhỏ trong võng mạc bị dò rỉ máu và dịch ở vùng hoàng điểm (bộ phận nằm ở vùng trung tâm của võng mạc giúp ta nhận biết độ sắc nét, màu sắc và độ rõ của hình ảnh) gây nên mù lòa. Để biết mình có mắc bệnh võng mạc hay không, người bệnh nên đi chụp sàng lọc bệnh võng mạc bằng máy chụp đáy mắt tự động DRS. Hoặc các bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp huỳnh quang đáy mắt (FFA) nhằm hỗ trợ phát hiện sớm các thương tổn của bệnh võng mạc ĐTĐ.

+ Với bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh, thị lực có thể mờ và mất hoàn toàn khả năng cảm nhận ánh sáng do xuất huyết. Bệnh này thường không có triệu chứng, nên người bệnh ĐTĐ cần phải sàng lọc bệnh võng mạc ngay khi phát hiện mắc ĐTĐ và định kỳ thăm khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp mới được chữa trị.

4. Nguy cơ mắc bệnh võng mạc ĐTĐ là gì?

   Nguy cơ mắc bệnh võng mạc ĐTĐ tăng theo thời gian mắc bệnh ĐTĐ. Khoảng 60% bệnh nhân bị ĐTĐ trong 15 năm trở lên sẽ những tổn thương mạch máu ở mắt. Trong số đó có nhiều bệnh nhân có nguy cơ bị mù mắt.

5. Làm thế nào để có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc ĐTĐ?

   Nhằm phòng tránh biến chứng võng mạc ĐTĐ, người bệnh phải kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp nhằm giảm nguy cơ bệnh võng mạc ĐTĐ. Tuy nhiên, cũng giống như biến chứng thần kinh ngoại vi, kiểm soát lượng đường tốt không có nghĩa loại trừ được nguy cơ bệnh võng mạc ĐTĐ.

6. Điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ như thế nào?

   Phương pháp điều trị bằng Laser năng lượng cao có thể sử dụng để phá hủy mô võng mạc bệnh lý, nhằm ngăn ngừa tân mạch tiến triển và hàn gắn những chỗ bị rò rỉ. Điều trị bằng tia Laser thường áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú do phương pháp đơn giản ít tai biến nên không cần nhập viện. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, điều trị tia laser quang đông không mang lại kết quả khả quan. Đối với các trường hợp bệnh nặng có kèm theo xuất huyết dịch kính cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dịch kính kết hợp với các phương pháp phẫu thuật khác. Thường xuyên khám mắt định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần  để sớm phát hiện bệnh là chìa khoá then chốt để việc chữa trị bệnh thành công.

Đ.Đ.T