Menu
×

Hạ đường huyết

Ngày đăng: 09/07/2017 In bài viết này

SKNT - Hạ đường huyết hay chứng hạ đường huyết là sự giảm lượng đường huyết xuống dưới mức bình thường (dưới mức 3,9 mmol/lít). Đây là một bệnh thể dịch, một bệnh sinh hóa, ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể con người, có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khoẻ thậm chí là rất nguy hiểm, nó còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều và có thể gây tử vong nhanh chóng. Bệnh nhân cần phát hiện sớm các dấu hiệu hạ đường huyết và xử trí kịp thời

HẠ ĐƯỜNG MÁU: CÁC NGUYÊN NHÂN DẤU HIỆU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

 

Hạ đường huyết hay chứng hạ đường huyết là sự giảm lượng đường huyết xuống dưới mức bình thường (dưới mức 3,9 mmol/lít). Đây là một bệnh thể dịch, một bệnh sinh hóa, ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể con người, có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khoẻ thậm chí là rất nguy hiểm, nó còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều và có thể gây tử vong nhanh chóng.

  Các nguyên nhân :

•        Quá liều insulin.

•        Hạ đường máu do nhầm liều sunfonylurea.

•        Giảm khẩu phần ăn hay lui giờ ăn.

•        Vận động quá mức.

•        Uống rượu.

•        Hạ đường máu do dùng thuốc đơn độc quá liều, hoặc phối hợp thuốc gây hạ đường huyết.

   Các yếu tố thuận lợi của hạ đường máu :

•        Bệnh nhân không hiểu biết hoặc không được hướng dẫn đầy đủ.

•        Cố gắng duy trì mức đường máu bình thường.

•        ĐTĐ thời gian dài.

•        Hạ đường máu không có triệu chứng cảnh báo.

•        Hạ đường máu ban đêm – bệnh cảnh lúc rạng đông.

•        Tiền sử hạ đường máu nặng.

•        Suy thận, suy gan.

  Tiêu chuẩn chẩn đoán :

Khi có 1 trong 2 tiêu chuẩn sau :

Đường máu ≤ 2,8 mmol/l (50mg/dl) đây là tiêu chuẩn quyết dịnh bất kể bệnh nhân có hay không có triệu chứng, hoặc.

Đường máu ≤3,9 mmol/l (70mg/dl) + triệu chứng lâm sàng + có đáp ứng với điều trị glucose.

  Dấu hiệu lâm sàng của Hạ đương máu :

Ảnh: các dấu hiệu, triệu chứng hạ đường máu

+ Rối loạn Thần kinh thực vật : cảm giác đói, mệt mỏi, vã mồ hôi, run tay, nhịp nhanh.

+ Rối loạn Thần kinh trung ương : kích thích, chóng mặt đau đầu nhìn mờ, rối loạn hành vi, lơ mơ, ngủ gà, hôn mê, rối loạn đại - tiểu tiện, co giật, hạ thân nhiệt.

Biểu hiện theo mức độ hạ đường huyết :

-        Đường máu <3mmol/l : Rối loạn chức năng não (nhìn mờ, nói ngọng, ruồi bay, lẫn lộn, khó tập trung,….) thay đổi Điện tâm đồ và rối loạn nhận thức.

-        Đường máu < 2,5 mmol/l : Ngủ gà, rối loạn hành vi.

-        Đường máu < 1,6 mmol/l : hôn mê kéo dài dẫn đến co giật tổn thương thần kinh không hồi phục  tử vong.

Các dấu hiệu của hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân nhưng thường xuất hiện vào lúc sắp đến bữa ăn với các dấu hiệu chung :

     Mệt, xuất hiện đột ngột không giải thích được, đau đầu chóng mặt, lả đi cảm giác chân tay nặng nề yếu; cảm giác đói cồn cào, vã mồ hôi, chân có cảm giác nặng, lo lắng bứt rứt, run tay,hồi hộp, tim đập nhanh có khi  buồn nôn, nôn.

-        Hạ đường máu không triệu chứng : Hạ đường máu nhiều lần nên ngưỡng xuất hiện triệu chứng lâm sàng thấp hơn (liên quan đến hormon điều hòa và sự thích nghi của cơ thể).

-        Bệnh nhân Hạ đường máu sẽ làm hệ thống điều hòa đường máu mất cân bằng dẫn đến đường máu dao động ở mức cao.

-       Các triệu chứng lâm sàng của Hạ đường máu ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố : tuổi giới, các thuốc, tình trạng sức khỏe.

Cách xử trí hạ đường máu​ :

-        Mức độ nhẹ, trung bình : tự ăn đường hấp thu nhanh tối thiểu 15g hydrat carbon (đường, kẹo, sữa, 3 miếng đường hoặc 3 thìa cà phê đường pha loãng trong 100ml nước ) hoặc 100- 150ml nước ngọt (Cocacola, nước hoa quả )100g đường /1 lít nước.

-        Mức độ nặng : Bệnh nhân không uống được, mất ý thức hoặc không đáp ứng với điều trị bằng đường uống thì tiêm TM 25-50ml glucose ưu trương 20% sau đó tiếp tục duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch glucose 5% hoặc 20%.

-        Glucagon: nếu không lấy được tĩnh mạch ở bệnh nhân hôn mê cần phải tiêm bắp  1mg glucagon (1 ống) nhắc lại sau 10 phút.

-        Xử trí nguyên nhân hạ đường máu.

Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của Hạ đường máu trong quá trình điều trị để đánh giá đáp ứng với điều trị, so sánh với thay đổi về xét nghiệm cận lâm sàng.

 

BS : Phạm Tiến Đạt

BV Đa Khoa Tỉnh Thái Bình