Menu
×

Tăng huyết áp: hiểu đúng sẽ không đáng lo ngại

Ngày đăng: 11/11/2017 In bài viết này

SKNT - Tăng huyết áp (THA) là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Tỷ lệ người mắc THA mới ngày càng tăng và trẻ hóa. Nhiều người đang lầm tưởng những người có tính cách nóng nảy, căng thẳng, lo lắng hay bồn chồn là thì mới bị tăng huyết áp. Sự thật là, tăng huyết áp không không phụ thuộc vào đặc điểm tính cách, dù là bạn có thể là một người bình tĩnh và luôn cảm thấy thoải mái, thì vẫn có thể mắc bệnh.

Theo nhiều nghiên cứu y học hiện nay cho thấy, những người có nguy cơ bị tăng huyết áp bao gồm những người tuổi cao, người mắc bệnh thận, bệnh tuyến giáp, người béo phì, thừa cân, người có những lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thực phẩm nhiều cholesterol, lười vận động…). Một số nghiên cứu khác chỉ ra nguyên nhân tăng huyết áp có thể do yếu tố di truyền, do dân tộc hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp.

Bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng cụ thể, nhưng tăng huyết áp có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến các bộ phận quan trọng trong cơ thể như: tim, não, mắt và thận trước khi bạn cảm thấy bất cứ biểu hiện gì trong cơ thể. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhồi máu cơ tim và suy tim, đột quỵ, suy thận, và các hậu quả nặng nề về sức khỏe rất khó hồi phục.

Khi nào được gọi là tăng huyết áp?

Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA  được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg)  bao gồm 2 thành phần: Trị số HA tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số HA tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.

Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 đến 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 đến 89 mmHg. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: THA tâm thu đơn thuần khi ≥ 140 mmHg, THA tâm trương đơn thuần khi ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp.  Nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề...

Các biến chứng để lại...

Chứng bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng, đầy đủ và phát hiện sớm sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và dẫn tới  tử vong nếu không cũng để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh khiến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các biến chứng thường gặp của THA là:

Các biến chứng về tim mạch: Gồm nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim...

Các biến chứng về não: Gồm tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA...

Các biến chứng về thận: Gồm đái ra protein; suy thận...

Các biến chứng về mắt: Các biến chứng mắt có có biểu hiện rõ ràng thường tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

Các biến chứng về mạch ngoại vi: Trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người...

Đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo... là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng.

THA ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên, chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Vì thế, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không có gì khác biệt so với người bình thường. Do vậy, rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.

Làm thế nào để có được huyết áp bình thường như mong muốn?

Muốn có được chỉ số huyết áp bình thường cần phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định trong việc giữ ổn định huyết áp. Cần kết hợp chế độ ăn hợp lý và luyện tập thể dục thể thao phù hợp, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường (BMI: 18,5 – 22,9 kg/m2) sẽ giảm đáng kể các nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Thêm vào đó, người bệnh THA phải dùng thuốc đầy đủ và liên tục tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh THA sẽ không đáng sợ nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Cần lưu ý việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương tới các cơ quan đích (hay các biến chứng của THA). Trên thị trường hiện nay ngày càng có nhiều loại thuốc được quảng cáo có hiệu quả cao trong điều trị THA, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh cần hết sức lưu ý, tránh mua phải các loại thuốc giả mạo gây tổn hại về sức khỏe và tốn kém về kinh tế. Điều quan trọng nhất được nhấn mạnh vẫn là duy trì lối sống, chế độ ăn uống và luyên tập phù hợp. Khi phát hiện THA cần tuân thủ theo chỉ định điều trị của thầy thuốc.

Cộng đồng cần nâng cao việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe thực hiện lối sống lành mạnh và chấp hành điều trị nghiêm túc của mỗi cá nhân để chiến thắng bệnh THA chứng bệnh được coi là “kẻ giết người thầm lặng” này.

Thu Trang