Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Trần Hoài Nam (Ninh Bình) hỏi: Bố tôi 70 tuổi, có tiền sử cao huyết áp và được phát hiện bị bệnh mạch vành cách đây 2 năm. Ông đã từng bị tai biến 1 lần. Tôi được biết người từng bị tai biến rất dễ bị lại. Vậy cách phòng và cấp cứu ban đầu người bệnh nếu bị tai biến như thế nào?
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) trả lời:
Tăng huyết áp là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…Với trường hợp từng bị tai biến thì tỉ lệ tái phát lần 2, lần 3 khá cao nếu không có biện pháp phòng ngừa bệnh và lần sau hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn lần trước.
Do vậy, với trường hợp bố bạn việc kiểm soát huyết áp và tuân thủ hướng dẫn điều trị rất quan trọng. Người bệnh cần thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp của mình. Trung bình có thể đo 2 lần/ ngày vào sáng và chiều, sau đó ghi chép lại để theo dõi và báo cho bác sĩ. Khi người bệnh có các biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực…cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
Với bệnh nhân bị tai biến, khi xuất hiện cơn đau thắt ngực, thời điểm lý tưởng để thực hiện can thiệp thông mạch vành là 6 giờ kể từ khi có triệu chứng. Sau 6 giờ là "thời gian vàng" để can thiệp tim mạch sớm; trước 12 giờ người bệnh vẫn còn cơ hội điều trị tốt nhưng với những trường hợp đến viện sau 12 giờ sẽ gặp nhiều khó khăn để cứu sống, di chứng để lại nặng nề. Lúc này cơ tim chết, khi đó dù can thiệp, bệnh nhân có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút.
Tại Việt Nam, theo thống kê của chúng tôi, có tới 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện sau 12 giờ có các triệu chứng đau thắt ngực, gần 40% đến trước 12 giờ và chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng "giờ vàng" để bảo đảm điều trị tốt nhất.
Theo NLĐO