Menu
×

Những biểu hiện tăng huyết áp cần phải đi khám ngay

Ngày đăng: 06/11/2017 In bài viết này

SKNT - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ước tính hiện nay Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp, song chỉ hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và 50% trong số đó được điều trị, giám sát.

Tăng huyết áp còn gọi là cao huyết áp, tức trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Đây là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.

Bệnh có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù loà…Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong.

Huyết áp của một người bình thường là 120 / 80mmHg, nhưng khi mức huyết áp ở trên 140 / 90mmHg thì bạn có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi và điều kiện sinh lý nên nó cần được theo dõi một cách thường xuyên nhất là ở độ tuổi ngoài 30. 

Ngoài ra còn có các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến huyết áp như béo phì, hoạt động thể chất, hút thuốc, rượu... Nếu tình trạng này không được điều trị trong một thời gian dài, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như suy thận, bệnh tim và đột quỵ. 

Nếu bạn có nguy cơ tăng huyết áp hoặc mắc bệnh huyết áp cao, điều quan trọng là cần lưu ý các dấu hiệu của bệnh. Điều này sẽ hữu ích cho bạn trong việc phát hiện và điều trị bệnh sớm. 

- Khi bạn có huyết áp trên 180 / 110mmHg thì nhức đầu có thể là dấu hiệu hàng đầu bạn cần quan tâm. Nhưng, bạn cũng nên chú ý một điều rằng triệu chứng đau đầu sẽ không xuất hiện trong trường hợp tăng nhẹ huyết áp. Chỉ bệnh tăng huyết áp đã trở thành ác tính thì bạn mới thấy những cơn đau đầu.

- Chảy máu mũi là cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp ở giai đoạn đầu. Nếu bạn bị tăng huyết áp và đột ngột chảy máu mũi nhiều, khó ngừng thì bạn nên đi gặp bác sỹ để được kiểm tra huyết áp và điều trị bệnh.

- Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc có thể là dấu hiệu của người bị bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện các tổn thương thần kinh thị giác do không được điều trị gây ra biến chứng của bệnh cao huyết áp.

- Tê hoặc ngứa ran ở các chi có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ do huyết áp tăng. Tăng huyết áp liên tục không được kiểm soát là lý do dẫn đến sự tê liệt của các dây thần kinh trong cơ thể của bạn.

- Một dấu hiệu khác của bệnh tăng huyết áp là buồn nôn và nôn. Tuy vậy, triệu chứng này còn liên quan đến nhiều bệnh lý khác. Do đó bạn nên kiểm chứng cùng một số triệu chứng liên quan khác đi kèm như nhìn mờ, khó thở.

- Chóng mặt xuất hiện với hai triệu chứng là choáng và chóng mặt thì đó cũng là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp mà bạn không nên bỏ qua nhất là khi chúng xảy ra đột ngột. Chúng làm bạn mất thăng bằng, gặp khó khăn trong đi bộ,bị ngất thậm chí là đột quỵ.

Chính vì thế, nếu bạn phát hiện ra mình có nhưng biểu hiện trên thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn và kịp thời chữa trị.

Minh Anh (T/h)