Menu
×

Ăn uống thế nào để phòng và điều trị huyết áp thấp?

Ngày đăng: 31/08/2017 In bài viết này

SKNT - Huyết áp thấp là bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu (bệnh huyết áp thấp) thường gặp ở phụ nữ trẻ; với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch (đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi).

Huyết áp thấp là bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu (bệnh huyết áp thấp) thường gặp ở phụ nữ trẻ; với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch (đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi).

Huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp.

Để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường, những người có huyết áp thấp bệnh lý cần phải được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa (Huyết áp thấp do bệnh lý nội tiết, thiếu máu, mất nước, thiếu chất,…)

Ngoài ra phải thực hiện các quy tắc về ăn uống, sinh hoạt như sau:

Ăn đủ các bữa, đặc biệt là bữa sáng rất quan trọng

Bạn nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một chút muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Bữa sáng nên là bữa ăn chính cho cả ngày.

Ăn mặn hơn bình thường

Nên ăn mặn hơn người bình thường. Không nên ăn quá nhiều chất bổ dưỡng như trứng, thịt mỡ, sữa béo để tránh béo phì. Người bình thường ăn 10-12g muối mỗi ngày; người có tăng huyết áp nên ăn ít hơn 6g muối mỗi ngày; còn người có huyết áp thấp thì nên dùng nhiều hơn 12g muối mỗi ngày.

Chế độ ăn

Chế độ ăn nên giảm các loại thực phẩm giàu carbon hydrate (tinh bột) như khoai tây, cơm gạo và bánh mỳ. Đặc biệt, cần tăng lượng rau quả, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, thịt lườn gà và cá trong chế độ ăn.

Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Đối với những người bị huyết áp thấp, nên dùng các loại thức uống có công dụng làm tăng huyết áp như: cà phê (nên uống từ 1-2 ly cà phê đặc, trà đặc mỗi ngày, nhưng đừng lạm dụng bởi cà phê có thể gây khó ngủ, rối loạn nhịp tim).

Sữa, mật ong, nước chanh pha đường và muối là những loại thức uống có tác dụng tốt với người bị huyết áp thấp, chỉ nên uống vào buổi sáng.

Uống đủ nước mỗi ngày kể cả không khát

Việc uống nước rất quan trọng, bởi lẽ nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi luyện tập thể dục/thể thao hoặc hoạt động mạnh, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. Đối với người già thường giảm cảm giác khát nên phải chú ý uống đủ nước kể cả không thấy khát.

Bổ sung các thành phần Vitamin và yếu tố vi lượng

Trong chế độ ăn uống thường ngày bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi trong việc phòng tránh và điều trị chứng huyết áp thấp.

Uống nước ép củ cải đường

Dùng nước ép củ cải đường tươi là một trong những bài thuốc trị chứng huyết áp thấp hiệu quả nhất. Bệnh nhân mắc chứng huyết áp thấp nên uống một cốc nước ép củ cải đường chia thành 2 lần mỗi ngày.

Sinh hoạt, thể dục thể thao

Cẩn thận lúc đứng lên đột ngột khi đang ở tư thế nằm và ngồi, nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể.
Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao. Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông... đều rất tốt.

Các loại thực phẩm cần tránh

Cà rốt: Trong cà rốt chứa muối sucinic nên nó có thể khiến lượng kali trong nước tiểu tăng lên, huyết áp giảm, nên tránh ăn nhiều.

Sữa ong chúa, táo mèo và hạt dẻ nướng là những loại thực phẩm mà người huyết áp thấp không nên sử dụng vì có tác dụng làm giảm huyết áp.

BS. SUCKHOENOITIET.VN