Menu
×

Đậu đỏ giúp an thần, bổ máu

Ngày đăng: 21/08/2017 In bài viết này

SKNT - Đậu đỏ là vị thuốc nam quý trong y học cổ truyền với tên thuốc là xích tiểu đậu. Đậu đỏ là hạt mẩy, vỏ đỏ, nhân hồng, khô, rắn, chắc.

Người có thể chất nhiệt thì dùng sống có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt; người tạng hơi hàn thì sao qua, sao đen tồn tính có công dụng an thần, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại, đậu đỏ giàu chất dinh dưỡng (đường, đạm, chất xơ, chất béo, chất khoáng như: canxi, phốt-pho, sắt, axit nicotinic, vitamin B1, B2…), vừa là loại thực phẩm bổ máu vừa có tác dụng giải độc, kích thích nhu động ruột, kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol và chống ung thư.

Cá chép nấu canh đậu đỏ rất thích hợp cho người viêm thận mạn tính.

Theo Đông y, xích tiểu đậu vị ngọt chua, tính bình, vào 2 kinh tâm và tiểu tràng có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu sưng tấy, rút mủ, cầm máu. Chủ trị phù thũng, nhiệt miệng, mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay, bệnh ngoài da, chữa suy nhược cơ thể, tốt cho phụ nữ mang thai, giúp tiêu phù, lợi tiểu tiện… Có thể dùng đậu đỏ riêng lẻ một mình hoặc kết hợp đậu đỏ với các thực phẩm, vị thuốc trong các trường hợp sau:

Trị viêm thận cấp tính: đậu đỏ 60g, cá chép 1 con, bí đao 500g, hành hoa. Chế biến thành món canh cá chép đậu đỏ rồi ăn cả nước lẫn cái. Ăn nóng, ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 5-7 ngày.

Trị phù thũng, tiểu tiện không thông: đậu đỏ 30g, hạt bo bo 30g, gạo tẻ 50g. Đậu đỏ ngâm mềm nấu trước, rồi cho gạo tẻ, hạt bo bo vào nấu nhừ, thêm đường. Ăn trong ngày.

Thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tĩnh tâm, an thần: đậu đỏ 30g, đảng sâm 8g, đương quy 8g, tim lợn 1 quả, nấm hương vừa đủ. Tất cả hầm mềm, ăn cái, uống nước.

Trị viêm tiểu cầu thận: đậu đỏ 90g, râu ngô 60g, táo đỏ 10g, thêm đường vừa đủ. Nấu nước uống trong ngày (thời gian điều trị từ 1 - 3 tháng).

Trị tiểu đường, mẩn ngứa, mụn nhọt: đậu đỏ 50g, bí đao 1kg. Đậu đỏ nấu trước với nước cho mềm, bí đao cho vào sau. Ăn cái, uống nước.

Bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, tăng cường sức khỏe: đậu đỏ 30g, chim cút 2 con, gừng tươi 3 lát. Hầm mềm, nêm gia vị, ăn nóng.

Nguồn SKĐS