Trẻ đã 2 lần mắc Covid-19 có phải tiêm vắc-xin?

Trường hợp trẻ chưa tiêm chủng đủ liều vẫn có nguy cơ mắc bệnh nên cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 và tiêm mũi nhắc lại.

Bộ Y tế cho biết sau hơn 4 tháng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 từ đến dưới 12 tuổi, tổng số liều vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là hơn 14,9 triệu mũi, trong đó mũi 1 đạt tỉ lệ 81,8%; mũi 2 đạt 52,2%.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp trẻ đã 2 lần mắc Covid-19 có phải tiêm vắc-xin hay không, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa hoàn thành liều cơ bản mà đã mắc Covid-19 thì thực hiện tiêm chủng ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng.


Tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh - Ảnh: Minh Quyết

PGS Hồng cũng lưu ý việc thử test kháng thể sau khi mắc Covid-19 là không cần thiết vì nồng độ kháng thể giảm dần theo thời gian nên kết quả chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm.

"Trẻ em cũng như người lớn nếu chưa có miễn dịch bảo vệ thì có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19, đặc biệt nhóm trẻ mắc bệnh lý nền, bệnh mạn tính, béo phì.... Các chuyên gia nhi khoa, chuyên gia dịch tễ học đã đưa ra các khuyến cáo về sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả và an toàn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới vẫn hiện hữu, các bậc phụ huynh cần đưa con mình đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19"- PGS Hồng nói.

PGS Hồng khuyến cáo, trường hợp trẻ chưa tiêm chủng đủ liều thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, vì vậy các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc-xin cơ bản với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; với trẻ từ 12- 17 tuổi cần đưa trẻ đi tiêm nhắc mũi 3 sau 2 mũi tiêm cơ bản trước đó.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng cho nhóm tuổi tuổi này, các phản ứng ghi nhận được chủ yếu là phản ứng thông thường sau tiêm chủng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi… với tỉ lệ khoảng 0,48%, thấp hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất. Ghi nhận một số trường hợp trẻ có biểu hiện phản ứng phản vệ sau tiêm chủng đều đã được xử trí kịp thời và hồi phục hoàn toàn.

"Để trẻ được an toàn khi bước vào năm học mới, ngành y tế cũng như ngành giáo dục và các ban ngành đoàn thể đang tăng cường truyền thông, vận động phụ huynh, người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-Covid-19 trong tháng 8 trước thời điểm năm học mới. Các bậc phụ huynh cần đưa con đi tiêm chủng để bảo vệ chính bản thân các cháu và không trở thành nguồn lây cho bạn bè và những người xung quanh"- PGS Hồng khuyến cáo.

N.Dung

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.