Hưng Yên: Hàng loạt bé trai mắc bệnh sùi mào gà nghi do cắt bao quy đầu

SKNT - Thống kê của BV Da liễu Trung ương từ 1/5/2016 đến 1/7/2017, BV đã tiếp nhận 6.370 trường hợp sùi mào gà ở người lớn và 150 trẻ sùi mào gà. Riêng tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên tính đến thời điểm hiện tại có đến 61 trẻ mắc căn bệnh này. Đây là điều bất thường vì bệnh sùi mào gà vốn được coi là "căn bệnh người lớn", thường mắc qua đường quan hệ tình dục không an toàn là chính...

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây BV tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị bệnh sùi mào gà. Chỉ tính từ ngày 1/5/2016 đến ngày 1/7/2017, BV tiếp nhận 6.370 trường hợp sùi mào gà ở người lớn và 150 trẻ sùi mào gà. Riêng huyện Khoái Châu, Hưng Yên là 46 cháu. Đặc biệt từ 1/5/2017 đến ngày 15/7/2017 riêng tỉnh Hưng Yên có 39 cháu (dưới 15 tuổi) trong đó huyện Khoái Châu có 37 cháu bị sùi mào gà và có nhiều cháu còn rất bé đã bị lây.

Như vậy cho đến thời điểm này, BV Da liễu Trung ương đã ghi nhận 61 cháu ở riêng huyện Khoái Châu, Hưng Yên bị sùi mào gà. Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhi cho hay, nhiều bệnh nhi trong số này có đến một phòng khám ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Các bác sĩ cho biết, một số nghi ngờ bước đầu về nguyên nhân mắc bệnh liên quan đến việc điều trị hẹp bao quy đầu tại địa phương.

Tại BV Da liễu Trung ương, mẹ của bệnh nhi Đ., 4 tuổi cho hay, con trai chị được chuyển lên BV Da liễu Trung ương trong tình trạng sưng nặng đầu dương vật và được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà. Chị cho biết trong gia đình không có ai mắc bệnh này. Trước đó 2 tháng, cháu có biểu hiện bị nốt trắng như bã đậu đầu dương vật. Nghe mọi người giới thiệu nên chị đã cho con điều trị chít hẹp bao quy đầu ở phòng khám nói trên.

Trước sự việc này, ngày 13/7/2017, BV Da liễu Trung ương đã có công văn khẩn số 661/BVDLTW-CĐT gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế báo cáo về tình trạng mắc sùi mào gà trẻ em tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Hiện, BV đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiến hành điều tra nguyên nhân nhằm thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, kịp thời ngăn chặn các trường hợp mắc mới tương tự trong cộng đồng.

"Bệnh sùi mào gà lây nhiễm qua đường tiếp xúc như quan hệ tình dục không an toàn. Bố mẹ bị sùi mào gà nhất là mẹ nếu chăm sóc con không chú ý có thể lây nhiễm sang cho con. Nhiều trường hợp trẻ bị sùi mào gà có liên quan tới cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu có thể xảy ra vì nếu môi trường, vệ sinh phòng khám không tốt, thiết bị nhiễm vi rút trong quá trình nong tách bao quy đầu có thể gây xước xát niêm mạc và truyền bệnh sùi mào gà cho trẻ" - PGS. Doanh cho biết.

Nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín, tránh lây chéo

Về vấn đề nong, cắt bao quy đầu ở trẻ em, theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, bao quy đầu là một bao da mỏng bọc phía ngoài của quy đầu dương vật, gồm hai lớp da. Lớp ngoài liền với da của thân dương vật, sau khi trùm kín quy đầu rồi gập lại 180 độ. Lớp trong  dính sát vào rãnh quy đầu. Bên trong hai lớp da này được cấu tạo bởi mô liên kết gồm rất nhiều sợi chun giãn, đàn hồi; giúp bao qui đầu có thể lộn lên và xuống dễ dàng.

Với trẻ đã được xác định là hẹp bao quy đầu, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi hoặc chuyên khoa Nhi khám và tư vấn. Thông thường trẻ sẽ được chỉ định nong bao quy đầu. Đây là thủ thuật rất đơn giản, cần nong rộng và bóc tách hết chỗ bám dính.

Trẻ cũng có thể được chỉ định cắt bao quy đầu. Đây là biện pháp triệt để tránh hẹp lại, cũng như làm cho dương vật phát triển tốt.

Hiện nay, người ta cũng có thể dùng một số loại thuốc bôi lên da vùng dương vật hàng ngày nhằm làm mềm da vùng dương vật, giúp bao quy đầu lộn lên và xuống dễ dàng. Trẻ em khi tắm rửa nên rửa và lộn bao quy đầu.

Theo các bác sĩ, trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Những bé nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Do phần do chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ cản trở bài xuất nước tiểu nên bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy, thậm chí nước tiểu rất đục và hôi. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng và gây nhiều biến chứng không tốt tới thận.

Cần vệ sinh bao quy đầu hàng ngày cho trẻ mỗi khi tắm, rửa. Cần lộn bao quy đầu ra và dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu, cho đến khi thấy các chất cặn bẩn có màu trắng đã sạch hết thì cho bao quy đầu trở về vị trí ban đầu.

Về điều trị, nếu như hẹp bao quy đầu không có biến chứng thì cho dù lứa tuổi nào cũng nên bắt đầu bằng điều trị bảo tồn không phẫu thuật trước bao gồm nong bao quy đầu và bôi thuốc. Trường hợp thất bại với điều trị bảo tồn thì mới cần tới điều trị phẫu thuật. Vì vậy cha mẹ nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để bác sĩ khám và có chỉ định thích hợp.

Theo SKĐS

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.