Nghệ sĩ Minh Vượng: Cháy hết mình cho nghệ thuật và sống khỏe để đẩy lùi bệnh tật

SKNT - Thời gian gần đây, nghệ sĩ (NS) Minh Vượng ít xuất hiện trên sân khấu cũng như trên truyền hình khiến nhiều khán giả tò mò, thắc mắc. Tuy nhiên, hẹn gặp nghệ sĩ Minh Vượng không dễ vì thời khóa biểu của nghệ sĩ kín đặc với dự án nghệ thuật học đường dành cho trẻ em. NS Minh Vượng tâm niệm: “Cháy hết mình cho nghệ thuật và sống khỏe để đẩy lùi bệnh tật...”

Mở đầu câu chuyện, chị kể : “Có lẽ ít người biết tên thật của tôi là Minh Phượng, nhưng xem xét thấy nhiều nhân vật Phượng trong văn học lẫn đời thường có cuộc đời khá truân chuyên, tôi đổi tên Vượng với hy vọng cuộc sống êm đềm, khấm khá, thịnh vượng hơn. Tôi là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. Tôi ước mơ được làm diễn viên trên sân khấu từ nhỏ nhưng con đường đến với nghệ thuật của tôi không trải đầy hoa hồng mà thấm đẫm mồ hôi và nước mắt”. Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không cho theo học, nên chị đành ngậm ngùi chờ… làm nghệ sĩ. Giấc mơ nghệ thuật chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong trái tim Minh Vượng nên rất nhiều năm sau đó, chị tiếp tục thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần; rồi khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội… Cuối cùng, Minh Vượng về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng không được diễn ngay do hạn chế về ngoại hình. Nghệ sĩ Minh Vượng hồi tưởng về diễn vai đầu tiên khi chị vào vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở “Hà Mi của tôi” do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó. Sau khởi đầu tốt đẹp, khán giả đã biết đến nghệ sĩ Minh Vượng với các vai diễn : Bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”... Sau này, Minh Vượng tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và “Gặp nhau cuối năm”… Ngoài vai trò là diễn viên hài kịch, Minh Vượng còn làm giảng viên khoa sân khấu của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.

Tình yêu dành cho sân khấu trong Minh Vượng chưa bao giờ giảm nhiệt. Chị vẫn sống, cống hiến hết mình vì khán giả. Mỗi dịp Tết, hè, đặc biệt là Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu, Minh Vượng vẫn đều đặn xuất hiện trong các vở diễn đầy ắp tiếng cười dành cho trẻ thơ. Vài năm trở lại đây, NSƯT Minh Vượng ít diễn hài mà chuyên tâm làm sân khấu học đường cho khán giả nhí. “Tôi yêu sự trong sáng, sự trung thực ở trẻ em vô cùng, các em không hề biết nói dối. Vui nhất là trẻ em coi tôi là bạn thân, bạn tri kỷ để tâm sự. Chính các em đã cho tôi được trẻ mãi không già, là nghệ sĩ của tuổi thơ, mãi được sống trong thế giới trong sáng và
hồn nhiên. Tuổi già đang sầm sập gõ cửa nhà tôi và chính các em đã là những người giúp tôi sống trẻ trung, sôi nổi và vượt qua mọi nỗi đau đớn về bệnh tật hay sự cô đơn của cuộc đời này” - NS Minh Vương cười sảng khoái.

Mấy năm gần đây, chị cộng tác với Nhà hát Chèo Hà Nội làm chương trình sân khấu học đường, tới tận các trường học biểu diễn và thắp ngọn lửa tình yêu sân khấu trong tâm hồn trẻ thơ. Vào thứ 4 hàng tuần, chị đến trường tiểu học Đoàn Thị Điểm dạy trẻ biểu cảm ngôn ngữ ! Mỗi lần như thế cứ là 4 ca liên tục, mỗi ca luyện cho 150 cháu ! Chị còn vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội dạy kỹ thuật biểu diễn và tiếng nói cho sinh viên nghệ thuật… Công việc của Minh Vượng cứ trải dài từ 6h sáng đến 11h đêm nhưng cứ hôm nào được nghỉ Minh Vượng lại có cảm giác bị ốm, mệt. Chị không phủ nhận việc vùi đầu vào công việc một phần là để quên đi nỗi cô đơn của một người phụ nữ không chồng, không con. “Thà mình hy sinh vì sự nghiệp còn hơn là yêu một người quá rồi không bỏ được nhau, họ sẽ thiệt thòi về đường con cái. Chính vì vậy, một cái khổ mình mình chịu, kiếp sau mình sẽ đẻ thật nhiều con để bù” - NS Minh Vượng thẳng thắn chia sẻ về câu chuyện tình cảm của mình.

Căn bệnh tim, khớp và đái tháo đường quái ác khiến số thuốc Minh Vượng uống vào người còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể. Mỗi ngày chị vẫn phải tiêm tới 4 mũi insulin và uống hàng mớ thuốc kháng sinh liều cao mà theo chị là nhiều hơn cả ăn cơm. Thậm chí, mấy năm nay, Minh Vượng còn tự hào khoe rằng mình là một “bác sĩ vườn” chuyên tư vấn sức khỏe cho bạn bè đến hỏi về căn bệnh đái tháo đường… Tuy nhiên, điều khiến chị có thể vượt lên bạo bệnh để làm một lúc nhiều công việc là vì chị luôn tâm niệm “Hãy biết quên bệnh tật” để sống lạc quan, tận dụng mọi niềm vui quanh mình để biến thành “thuốc tiên” chữa bệnh. Với Minh Vượng, việc chữa bệnh không đơn thuần là tuân thủ một cách nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn phải có một nghị lực sống. Nghị lực đó giúp người bệnh sống lạc quan, ít lo nghĩ và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. NS Minh Vượng trải lòng : “Sức khỏe của tôi thì làng nhàng, phải biết chấp nhận sống chung với “lũ” thôi. Tôi quan niệm rằng cái vui của mình cũng chưa phải cái vui nhất, nỗi buồn của mình cũng chưa phải cái buồn nhất, bệnh tật của mình vẫn còn thuốc, vẫn còn chữa thì đấy vẫn là hạnh phúc. Nhiều người mắc bệnh nan y mà không có thuốc chữa nhưng họ vẫn vượt lên để sống được, huống hồ gì là tôi, vậy nên tôi cứ “hồn nhiên” sống chung với “lũ”. Tôi là người lạc quan, tôi phải cảm ơn cuộc sống này vì đã cho tôi cái nghề được nói, biết tiết chế cảm xúc của mình. Ở những góc tối, tôi cũng buồn, cũng cô đơn nhưng nhờ có sự động viên vô giá đấy mà mình vẫn lạc quan, vượt lên nỗi buồn của chính mình và lại tiếp tục cống hiến”. Và, nếu có kiếp sau, Minh Vượng vẫn muốn chọn nghề mang lại nụ cười cho người khác.

Dương Minh Châu
(Tạp chí Đái tháo đường)

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.