Chớ coi thường: Cứ 3 người mắc đái tháo đường thì 1 người mờ mắt

SKNT - Mờ mắt chính là dấu hiệu sớm của biến chứng về mắt do đái tháo đường (ĐTĐ), các tổn thương thường gặp là tình trạng phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể, xuất huyết võng mạc, và là nguyên nhân gây mù lòa ở bệnh nhân ĐTĐ. Điều đáng nói là trung bình cứ 3 bệnh nhân mắc ĐTĐ thì 1 người bị tổn thương về mắt ở các mức độ khác nhau. 60% người ĐTĐ týp 2 có nguy cơ bị tổn thương võng mạc bất kỳ lúc nào. Vậy đâu là giải pháp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này?

Đâu là nguyên nhân gây mờ mắt ở bệnh nhân đái tháo đường?

Mờ mắt ở bệnh nhân ĐTĐ là dấu hiệu cho thấy các cơ quan của mắt, đặc biệt là võng mạc đã bị tổn thương. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính gây tổn thương võng mạc ở bệnh nhân ĐTĐ là do đường huyết tăng cao.

Đường huyết tăng cao và không ổn định sẽ gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Hậu quả là dịch từ trong lòng mạch như huyết tương, lipoprotein và các thành phần khác thấm qua thành mạch, rò rỉ ra ngoài võng mạc, gây mờ mắt và giảm thị lực tạm thời. Khi bệnh ĐTĐ tiến triển nặng hơn nữa, các mạch máu nhỏ sẽ bị tắc nghẽn, gây thiếu máu từng vùng ở võng mạc. Khi đó, cơ thể xuất hiện cơ chế sản sinh thêm ra các mạch máu mới để bù đắp lại những mạch máu đã bị tổn thương. Tuy nhiên, đa phần các mạch máu mới được tái tạo không đúng vị trí khiến võng mạc bị bong, tăng nhãn áp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn, dẫn đến mù lòa.

Biến chứng mắt đái tháo đường

Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh diễn biến âm thầm nên ở giai đoạn đầu, người bệnh gần như không cảm thấy bất kỳ sự thay đổi nào của mắt. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh sẽ thấy mắt mờ, thỉnh thoảng có cảm giác có đốm đen, ruồi bay, hoặc các sợi màu đen trước mắt,… Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng mờ mắt chỉ là điều hiển nhiên đi đôi với tuổi già nên không đi thăm khám và điều trị kịp thời. Các chuyên gia y tế khẳng định nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ tránh được tổn thương mắt nặng hơn, phòng ngừa được mù lòa. Nếu vẫn để đường huyết cao, kéo dài thì phần lớn các bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn.  Đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến 1,8 triệu người mù lòa hàng năm do đái tháo đường.

Vậy đâu là giải pháp ngăn ngừa biến chứng mờ mắt?

Để phòng ngừa, phát hiện sớm và kiểm soát biến chứng mắt do ĐTĐ, người bệnh cần kiểm soát đường huyết và huyết áp ổn định (chỉ số HbA1c < 6,5%, huyết áp < 130/80mmHg). Mỗi người cũng nên đi khám mắt tối thiểu mỗi năm một lần để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Đối với phụ nữ có thai, nên khám nhãn khoa 3 tháng 1 lần, nếu có kế hoạch mang thai, nên đề nghị bác sĩ khám đáy mắt trước.

Các trường hợp chưa bị mờ mắt, nhưng đường huyết thường xuyên cao và không ổn định cần hết sức lưu ý. Ngoài việc điều chỉnh chế độ luyện tập và ăn uống, người bệnh cần tìm cách hạ và ổn định đường huyết về ngưỡng an toàn dưới 7mmol/l để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm về mắt, ngăn chặn sớm nguy cơ bị mù lòa do ĐTĐ.

Ở người ĐTĐ, khi mắt bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mờ, cần đi khám và kiểm tra ngay chỉ số đường huyết và mỡ máu. Để ngăn chặn tổn thương mắt nặng thêm và phòng ngừa nguy cơ mù lòa cần đưa chỉ số đường huyết về ngưỡng an toàn và ổn định là ưu tiên số 1, nếu có mỡ máu cao, cần phải hạ cả mỡ máu.

Người bệnh ĐTĐ có thể kết hợp Đông – Tây y để kiểm soát đường huyết tốt nhất, hạn chế tác dụng phụ của thuốc và phòng tránh các biến chứng.

Theo Tạp chí Đái tháo đường

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.