Báo động đỏ: Đái tháo đường đều trị sai vẫn còn rất phổ biến

Đái tháo đường là một bệnh không lây nhiễm và diến biến thầm lặng cho tới khi xuất hiện các biến chứng

Hoại tử chi vì không tuân thủ điều trị

Ông Nguyễn Văn Đ., nhà ở Quận Hai Bà Trưng Hà Nội, thấy ăn uống nhiều, tiểu nhiều và người sụt cân nhanh nên đi khám, tình cờ phát hiện bệnh đái tháo đường. Sau khi được phát hiện bệnh do không hiểu biết và cũng không được tư  vấn một cách kỹ càng, nên ông chủ quan không chữa trị thường xuyên. Cứ nghĩ cũng như các bệnh khác, chỉ cần uống thuốc một đợt là bệnh khỏi nên ông Đ. chỉ uống thuốc sau khi khám bệnh về, sau đó hết thuốc thì ngừng. Khi nào thấy đường máu cao, có lúc trên 20 mmol thì ông Đ. lại sợ nên uống thuốc đều hơn, nhưng khi đường huyết hạ thấp rồi lại chủ quan bỏ thuốc… Ông cũng không thực hiện chế độ ăn khoa học, do khát nước nhiều và thèm ngọt nên ông thường xuyên uống các loại nước uống có ga. Điều trị như vậy trong vài năm, cho tới cách đây 1 tháng ông Đ. thấy bàn chân chảy nước nên tự mua kháng sinh về điều trị nhưng không đỡ. Khi sốt cao nên phải nhập viện thì tình trạng loét bàn chân đã rất nặng. Mặc dù ông không có cảm giác đau đớn nhưng  tình trạng hoại tử, mủ đã ăn sâu… Các bác sĩ của bệnh viện quận buộc phải chuyển bệnh nhân Đ. lên tuyến trung ương trong tình trạng nguy cơ buộc phải tháo bàn chân đã rất cao, nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng… Là lao động chính trong gia đình, ông Đ lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình cũng như cuộc sống của cả gia đình sẽ ra sao khi ông mất đi  một bên bàn chân? Ông vô cùng ân hận vì lúc trước đã không tìm hiểu về bệnh để điều trị đúng nhằm phòng ngừa những biến chứng do bệnh gây ra. Rất may, tại Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, sau thời gian dài kiên trì của cả thầy thuốc và bệnh nhân, vết loét ở bàn chân của ông Đ. dần được hồi phục. Giờ đây ông đã có thể đi lại được và nguy cơ phải tháo bàn chân đã được loại bỏ…

Theo TS.BS.Đỗ Đình Tùng (Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa), thì đây là một bệnh nhân rất khó vì tình trạng hoại tử bàn chân khá nặng, đã có chỉ định tháo khớp để tránh nhiễm trùng lan rộng, nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân kiểm soát đường máu rất kém do không được giáo dục cách kiểm soát bệnh tật bằng dùng thuốc, chế độ ăn và tập luyện… Bệnh nhân cũng không biết cách tự chăm sóc bàn chân nên khi bệnh nhân vào viện trong tình trạng đã có nhiều biến chứng kèm, trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng hoại tử chi. Với các trường hợp này chúng tôi phải điều trị tích cực ngay từ đầu, phối hợp nhiều kỹ thuật mới nên đã bảo tồn được bàn chân cho bệnh nhân.

TS.BS Đỗ Đình Tùng đang khám cho bệnh nhân bị biến chứng bàn chân

Tuy nhiên, TS.Tùng vẫn cảnh báo: Với những bệnh nhân như ông Đ., mặc dù đã được điều trị để cứu vãn tình trạng bàn chân lúc này, nhưng tỉ lệ loét tái phát rất cao nếu bệnh nhân lại vẫn không tuân thủ phác đồ điều trị, không tái khám bàn chân định kỳ. Ở bệnh nhân này một điều nữa cũng nên lưu ý là bệnh nhân đi bộ quá nhiều và đi giày dép không đúng chủng loại dành cho bệnh nhân đái tháo đường nên bàn chân càng dễ thương tổn.

Đối với vấn đề luyện tập cho bệnh nhân đái tháo đường, nhiều người nghĩ bị mắc đái tháo đường thì cần phải luyện tập thể dục, đi bộ nhiều  càng tốt. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Theo TS.Tùng cho biết: Khi bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh ngoại vi chi dưới và biến dạng bàn chân, chai chân nên nếu bệnh nhân càng đi bộ nhiều thì càng có nguy cơ loét chân. Với bệnh nhân đái tháo đường thì nên khám bàn chân trước khi lập kế hoạch thực hiện việc đi bộ, việc này tuy đơn giản nhưng sẽ giảm được nguy cơ loét bàn chân.

Biến chứng thần kinh ngoại biên vì không kiểm soát đường máu tốt

Cùng phòng bệnh với bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., là bệnh nhân Trần Văn Ch. (55 tuổi, ở Hải Phòng), cũng được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường từ 10 năm nay. Mặc dù khi đo đường máu rất cao, trên 12mmol, nhưng ông Ch. lại bằng lòng với mức đường huyết này và không đi khám lại bệnh. Bởi ông đã uống thuốc đều theo chỉ định và cũng không thấy có triệu chứng gì khó chịu gì. Nếu ông Ch. Tự uống thêm thuốc để hạ mức đường huyết xuống hơn thì bị choáng váng… Cứ thế một thời gian dài, cho tới khi ông cảm thấy tê bì nhiều hai chi dưới, đêm nằm nóng rát không ngủ được. Gần đây ông bị phù mặt và đường máu tăng vọt rất cao nên phải đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị…

TS.Tùng cho biết, tình trạng bệnh của ông Ch. bị biến chứng thần kinh ngoại biên do đường máu cao trong giai đoạn dài. Còn tình trạng đường huyết đột ngột tăng vọt do bệnh nhân Ch. tự ý mua thuốc điều trị bệnh đau khớp, trong đó có corticoid - đây là loại thuốc nếu uống sẽ làm cho tình trạng kiểm soát đường máu kém hơn, ngoài ra còn có thể bị nhiều biến chứng khác nữa...

 

Sẽ không còn là nỗi lo, nếu được điều trị đúng

Khác với 2 trường hợp trên, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. (52 tuổi, Long Biên - Hà Nội), được chẩn đoán ĐTĐ năm 2011. Lúc được chẩn đoán thì đường huyết của bệnh nhân H. rất cao, trên 20mmol nên được các bác sĩ cho tiêm insulin ngày 40 đơn vị, tiêm tới 4 mũi/tuần. Bà H. cho biết từ khi phát hiện bệnh, nhiều lúc thấy hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, mắt mờ. Với quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” nên bà H. cũng đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc. Tuy nhiên tình trạng bệnh của bà vẫn không ổn định: đường máu thất thường lúc cao quá, lúc thấp quá, tình trạng trí nhớ cũng bị sa sút, lúc nhớ lúc quên… nên nhiều lúc bà H. thấy chán nản muốn bỏ cuộc… Cho mãi tới đầu năm 2018, khi được bác sĩ chẩn đoán lại thể bệnh, không phải tiêm insulin nữa mà chỉ cần uống thuốc.

Bà H. bùi ngùi tâm sự: Trước đây không phải là tôi không muốn tuân thủ dùng thuốc, mà là do khi tiêm thuốc tôi thường xuyên hạ đường huyết, đói lả, mệt mỏi muốn xỉu… nên tôi sợ và có khi tự ý bỏ mũi tiêm thì đường huyết lại tăng. Giờ được điều trị hướng khác, đường máu tôi ổn định, ăn uống lại khoa học hơn theo hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe dần ổn định trở lại. Giờ tôi cũng đã tham gia một lớp tập nhảy cùng với bạn bè cũ. Trước đây một phần do mệt mỏi, sức khỏe yếu, một phần lo hạ đường máu bất ngờ khi luyện tập nên không dám tham gia bất kỳ môn luyện tập nào.

Qua trường hợp của bênh nhân H., TS.Tùng cho hay: Việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường phải hết sức chu đáo, tỉ mỉ, tuân thủ đúng nguyên tắc sẽ giảm thiểu tối đa sai sót, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Với bệnh nhân H., lúc đầu việc điều trị bằng phác đồ tiêm là hoàn toàn hợp lý với bệnh nhân có chỉ số đường máu cao như vậy. Tuy nhiên, khi đã kiểm soát được đường máu tốt rồi thì sẽ phải chuyển dần sang phác đồ thuốc uống kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. Do không đúng phác đồ điều trị nên bệnh nhân thường xuyên hạ đường máu, đồng thời chế độ ăn uống, luyện tập không hợp lý làm cho đường máu lên xuống thất thường, có nhiều cơn hạ đường máu nguy hiểm. Do hạ đường máu nên bệnh nhân sợ, dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém hơn, tuân thủ điều trị kém cũng sẽ làm kiểm soát đường máu không tốt cứ thế tạo thành vòng xoáy ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân. Mấy tháng gần đây do điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn nên kết quả rất tốt. Các xét nghiệm của bệnh nhân H. đã nằm trong tầm kiểm soát.

Thạch Lam

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.