Đăng ký
Vui lòng nhập các thông tin cần thiết
Tăng cường kiểm soát chi BHYT
Theo Báo cáo của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, đến hết 30.6.2017, hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 75,82 triệu dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB, tỷ lệ liên thông trên toàn quốc bình quân 6 tháng đạt 98,1%; 11 tỉnh đạt tỷ lệ 99 - 100%; 3 tỉnh có tỷ lệ liên thông thấp là Bắc Ninh đạt 89,1%, TP Hồ Chí Minh đạt 93,2% và Long An đạt 94,8%. |
Theo TS. Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB), bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT là vấn đề luôn được toàn ngành BHXH quan tâm và sẽ làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Chi phí KCB BHYT hiện đang là vấn đề nóng và để giải quyết được bài toán này cần những biện pháp kiên quyết cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị. Cùng với đó, rất cần tinh thần cầu thị, mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền các địa phương.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, sau hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT được tổ chức vào giữa tháng 5.2017, BHXH các tỉnh, thành phố đã rất nỗ lực và có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác giám định BHYT và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường kiểm tra và kiểm soát tốt chi phí KCB. Các địa phương đã tăng cường ứng dụng CNTT, kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin giám định BHYT và chủ động giám định trực tiếp như kiểm tra tình trạng bệnh nhân nằm viện, sử dụng thẻ BHYT, chỉ định chẩn đoán và điều trị trên bệnh án... để tăng hiệu quả, chất lượng của BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Thông qua đó, đã kiểm soát được tần suất điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú.
Đới với ngành BHXH, từ năm 2016, BHXH Việt Nam triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT tới BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, Công an và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam, BHXH các tỉnh, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và thông qua hệ thống giám định đã phát hiện những bất cập cần khắc phục.
Người nghèo, người dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ BHYT
Còn khó khăn khi thực hiện luật
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của BHXH Việt Nam diễn ra vừa qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, kể từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đến nay, công tác BHYT có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù độ bao phủ BHYT đã vượt chỉ tiêu được giao, nhưng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế dẫn đến nhiều khó khăn, nhất là tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT vẫn diễn ra nhiều. Điều này do nhiều nguyên nhân, song phải kể đến công tác tham mưu, phối hợp ở các địa phương chưa tốt, chưa tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương...
Chính vì vậy, các địa phương phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT; tập trung thanh tra, kiểm tra, nhất là phải thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời có kế hoạch tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Hiện, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tập trung triển khai Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT đạt hiệu quả, giảm tối đa thời gian giao dịch giữa doanh nghiệp và người tham gia với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó phải đáp ứng được yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc, kết nối liên thông bộ công cụ quản lý thu, sổ thẻ, giải quyết chế độ BHXH, BHYT thông qua mã số BHXH được cấp duy nhất cho từng người tham gia.
Theo ĐBND