Hiểu đúng về bệnh lý võng mạc đái tháo đường và cách điều trị
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh đang ngày càng phổ biến và có tốc độ phát triển nhanh cả ở Việt Nam và trên thế giới. Kèm theo sự phổ biến của bệnh là các biến chứng, trong đó có các biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, glôcôm, tật khúc xạ… nhưng biến chứng chính và nghiêm trọng nhất là bệnh võng mạc ĐTĐ. Có tới khoảng hơn một phần ba số người mấc ĐTD trên thế giới có thể mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường.
Bệnh Võng mạc đái tháo đường là gì?
Bệnh Võng mạc ĐTĐ là hệ quả của việc các mạch máu rất nhỏ trong võng mạc bị tổn thương do bệnh ĐTĐ. Bệnh chia theo nhiều giai đoạn từ nhẹ tới nặng như chưa tăng sinh (nhẹ/vừa/nặng), và tăng sinh. Khi tăng sinh có thể gây xuất huyết dịch kính, màng xơ trước võng mạc hoặc bong võng mạc co kéo dẫn tới giảm hoặc mất thị lực.
Tại sao phải quản lý bệnh Võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù, tuy nhiên phần lớn trường hợp có thể phòng tránh được. Bệnh thường không có triệu chứng gì trong thời kỳ đầu, do đó khám mắt định kỳ là cách duy nhất để xác định tổn thương trên võng mạc. Để giữ thị lực tốt cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố: đường huyết, huyết áp, kiểm soát lượng mỡ trong máu cũng như khám mắt định kỳ và chuyển tuyến chữa trị kịp thời.
Phát hiện và sàng lọc
Bệnh nhân võng mạc ĐTĐ phải được khám mắt toàn diện bao gồm: đo và kiểm tra thị lực; khám bằng sinh hiển vi; đo nhãn áp; soi góc tiền phòng và kiểm tra đáy mắt để đánh giá mức độ của bệnh võng mạc ĐTĐ. Ngoài ra, có thể sử dụng chụp mạch huỳnh quang để điều tra rõ nguyên nhân giảm thị lực, xác định mao mạch rò rỉ và sử dụng làm hướng dẫn để điều trị phù hoàng điểm.
Điều trị và theo dõi
Khi phát hiện bệnh võng mạc ĐTD, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa để được điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa giảm thị lực và ổn định thị lực. Nhiều trường hợp bệnh võng mạc ĐTĐ kèm xuất huyết dịch kính hoặc nặng hơn có thể cần chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính. Sau khi điều trị, để đảm bảo bệnh nhân và người nhà của họ hiểu được sự cần thiết của việc liên tục theo dõi tình trạng của mắt, cần trao đổi về các dấu hiệu lâm sàng và các tác động; thông báo kết quả khám mắt của bệnh nhân cho các nhân viên y tế chuyên ngành khác có tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe của người bệnh; tiếp tục cung cấp hỗ trợ và tư vấn về kiểm soát đường huyết, huyết áp và mức lipid; nhấn mạnh hiệu quả của việc khám định kỳ và giới thiệu cho bệnh nhân đơn vị cung cấp tư vấn, phục hồi chức năng và dịch vụ xã hội nếu có.
Khám lại
Đối với bệnh nhân đái tháo đường týp 1, cần khám mắt lần đầu trong vòng năm năm kể từ khi chẩn đoán có bệnh ĐTĐ và khám lại định kỳ hàng năm hoặc ít nhất hai năm một lần nếu không phát hiện dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện tổn thương võng mạc, tần suất khám có thể tăng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương võng mạc và mức độ kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
Đối với bệnh ĐTĐ týp 2, cần khám mắt càng sớm càng tốt, ngay sau khi chẩn đoán có bệnh ĐTĐ. Tần suất khám lại tương tự như bệnh nhân ĐTĐ týp 1
TẠP CHÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG