Vợ/chồng chớ vội nghi ngờ?

SKNT - Mọi cảm thông, hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt và nếp sống lao động - của vợ (hoặc chồng) người bệnh đái tháo đường, là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất.

Gia đình vừa là tổ ấm vừa là dinh luỹ cuối cùng, là chỗ dựa cuối cùng để con người tồn tại, đấu tranh chống lại bệnh tật, chống lại những biến động lớn lao trong cuộc sống xã hội. Hãy cùng vợ (hoặc chồng) bạn đi khám bệnh; hãy giúp nhau lập thời gian biểu để uống thuốc, để luyện tập, hãy cùng nhau lập thực đơn điều trị về chế độ dinh dưỡng. Người bạn đời chung thuỷ phải vừa là thày thuốc, vừa là người tư vấn tình cảm để giúp người thân phát hiện sớm những bất thường trong sinh hoạt, phát hiện sớm các biến chứng. Xin lấy một ví dụ : Trong quan hệ vợ chồng, người chồng mắc bệnh ĐTĐ, ngay từ giai đoạn sớm - giai đoạn rối loạn dung nạp glucose - chưa có biểu hiện lâm sàng của uống nhiều, đái nhiều và gày nhiều; nhưng lại có biểu hiện giảm, thậm chí mất khả năng hoạt động tình dục. Đừng vội nghi ngờ chồng “mải đi ăn phở” mà quên “nghĩa vụ”. Hãy tìm đến bác sĩ hỏi ý kiến tư vấn. Nhiều khi chỉ cần nghỉ ngơi, điều hoà lại đường máu; cân bằng lại tâm lý là “chuyện ấy” lại bình thường.

Ở người phụ nữ bị mắc bệnh ĐTĐ; họ rất lo liệu có con được không ? Có truyền bệnh cho con không ? Để giải quyết việc này, bạn nên làm những việc sau :

- Nếu định sinh con vợ chồng bạn nên bàn bạc cụ thể với bác sĩ của bạn.
- Suốt thời gian chuẩn bị thụ thai, mang thai, sinh đẻ, mức đường trong máu phải được quản lý chặt chẽ (Duy trì nồng độ HbA1C - 6% ).
- Sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, luyện tập, phải tuân theo sự chỉ dẫn nghiêm túc của thày thuốc chuyên khoa.

- Quá trình mang thai cần được theo dõi cẩn thận bởi các thày thuốc chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Sản. Phải chẩn đoán chính xác thời gian sinh con; khi sắp sinh nên vào theo dõi và sinh ở bệnh viện chuyên khoa.

Tóm lại :Việc sinh đẻ phải có kế hoạch chu đáo.

Có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi thường hỏi họ có nên lập gia đình không? Cũng có nhiều bậc phụ huynh hỏi có nên cho con em họ lấy người bị mắc bệnh ĐTĐ không ?

Tại sao lại không ? Nếu họ yêu nhau hãy để cho họ kết duyên. Nên để cho người ĐTĐ trẻ tuổi sớm xây dựng gia đình và ổn định cuộc sống. Cũng là rất tốt cho người bị ĐTĐ có một người bạn đời khoẻ mạnh.

Sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng thân thích

Dân ta có câu” Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Ngoài quan hệ vợ chồng, sự quan tâm của các thành viên trong gia đình như con cháu, bố mẹ, sự quan tâm của người thân sẽ giúp người ĐTĐ có thêm nhiều nghị lực. Họ rất dễ trở thành tiêu điểm chú ý của cả họ hàng gần xa. Việc tỏ ra quan tâm, thăm hỏi họ luôn là niềm an ủi động viên để họ không cảm thấy bị “thừa”. Đây sẽ là nguồn động viên khích lệ họ phải sống sao cho xứng đáng.

Đ.Đ.T

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.