Menu
×

Ghi nhận case lâm sàng: Bỏng da trong dùng sóng cao tần điều trị u lành tuyến giáp

Ngày đăng: 15/07/2017 In bài viết này

SKNT - Trường hợp bỏng da sau điều trị sóng cao tần đốt nhân lành tuyến giáp

Ảnh: Hình ảnh tổn thương bỏng do điều trị u lành tính tuyến giáp bằng sóng cao tần

Tại bệnh viện Cattinara, Italy, ghi nhận trường hợp bệnh nhân nữ 34 tuổi, thể trạng gầy, có nhân thùy trái tuyến giáp, kích thước 42 mm x 40 mm x  23 mm. Bệnh nhân phàn nàn về mặt thẩm mỹ và tìm đến bác sĩ để được tư vấn điều trị. Bệnh nhân từ chối phẫu thuật nhưng lại đủ tiêu chuẩn chỉ định trong sử dụng điều trị sóng cao tần RFA. Bệnh nhân đồng ý thực hiện can thiệp sử dụng RFA. 

Bệnh nhân được gây tê tại chỗ tại vị trí kim bằng 10 ml 2% lidocain và 2mg midazolam thuốc an thần trước khi thực hiện thủ thuật.

Bác sĩ sử dụng điện cực đơn cực với độ dài 10 cm và đầu kim dài 1 cm để đưa vào khối u dưới hướng dẫn của siêu âm. Do vị trí của khối u nên kim được đưa thẳng từ trên thay vì đưa xiên qua eo tuyến như bình thường. Vị trí trung tâm được đốt trước với mức năng lượng RF là 30 W và sau đó tăng dần lên 40 W. Để điều trị các phần còn lại của khối, điện cực được kéo nhẹ trở lại và đầu điện cực tiến gần sát với da trong khi năng lượng phát ra không thể tắt ngay được vì vậy mà gây ra bỏng da. Ngay khi vết bỏng xuất hiện, người thực hiện thủ thuật đã phát hiện ra và dừng thủ thuật ngay lập tức dù cho hầu như toàn bộ khối u chưa được đốt. Bệnh nhân không cảm thấy đau và phàn nàn gì vì tác dụng của thuốc tê vẫn còn. 

Sau đó, vết thương xuất hiện rõ như một vết bỏng sâu tại vị trí đưa điện cực vào, có đường kính 1,5 cm và có vùng trung tâm trắng hoại tử. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi bởi bác sĩ tạo hình và được điều trị với thuốc bôi gentamicin sulfate và acid hyaluronic trong tuần đầu tiên giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng sinh tế bào làm lành vết thương. Tuần tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu dùng gạc than hoạt tính có chứa phân tử bạc, cắt lọc khéo léo và miếng dán collagen trong 2 tuần. Vết bỏng da mất gần 1 tháng để lành hoàn toàn và trả lại phần da gần như bình thường.

Đây là case bỏng sâu hiếm gặp do RFA gây ra. Thông thường là các vết bỏng nhẹ và chỉ mất một vài ngày để hồi phục. Tuy nhiên, qua đây chúng ta cũng cần thận trọng với những vết bỏng nặng có thể sảy ra và mất hàng tháng để bình phục, cũng như có nguy cơ để lại sẹo. Vì vậy bệnh nhân cũng nên được cảnh báo trước những trường hợp không mong muốn có thể xảy ra, đặc biệt với những bệnh nhân quan tâm đặc biệt đến vấn đề thẩm mỹ.

Để phòng tránh những biến chứng không mong muốn như trường hợp này, bác sĩ khi làm thủ thuật nên giữ đầu điện cực trong khối u. Và để làm điều đó, phương pháp đưa kim xiên qua vùng eo tuyến được nhấn mạnh. Cũng có thể tiêm dịch lạnh vào lớp dưới da dưới vùng đưa điện cực vào để tạo lớp phỏng tăng khoảng các giữa da và khối u. Thực tế điều này đã được làm khi tiến hành gây tê cho bệnh nhân bằng lidocain. Một vài gợi ý khác như sử dụng túi chường lạnh trên da gần vị trí điện cực trong suốt quá trình đốt. Trong mọi trường hợp, các bác sĩ cần nhớ rằng, thuốc an thần hay gây tê có thể làm chúng ta khó nhận ra tổn thương gây đau. Cũng cần chú ý hơn với những bệnh nhân thể trạng gầy thì đầu điện cực dễ tiếp xúc gần với da hơn. Trong trường hợp có bỏng da, cần chú ý chăm sóc vết thương để đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Stella Bernadi, Cattinara Hospital, Italy

Dịch: Bs Thu Trang