Bé 3 tháng tuổi bị xuất huyết nội sọ vì cách dỗ con sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải
Được biết, bố mẹ của bé gái này đều còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cái. Mẹ của bé kể lại, có thời điểm con chị đột nhiên khóc rất nhiều mà không rõ lý do, để dỗ con nín, cô và chồng đã thay nhau bế bồng con, rồi đung đưa, rung lắc người đứa bé như cách nhiều bậc cha mẹ khác vẫn hay làm.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau một thời gian dùng cách đó để dỗ con, người mẹ nhận ra tinh thần của con ngày càng sa sút, mặt trắng nhợt, hay rít lên nhưng cả 2 vợ chồng đều không quan tâm, cho rằng đó là chuyện bình thường. Đến đầu tháng 10/2017, bé bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, tứ chi co giật và đầu hay ngửa về phía sau, thế nhưng họ vẫn chưa đưa con đi khám.
Cho đến tối hôm sau, bé có biểu hiện co giật, ý thức lơ mơ, chi trái, khóe miệng và mi mắt đều co giật, lúc này đôi vợ chồng trẻ mới hoảng hốt đưa con vào viện địa phương. Bác sĩ tại đây cho biết bé bị xuất huyết nội sọ, dù đã dùng thuốc nhưng cơn co giật vẫn không dứt, để bảo vệ tình mạng cho bé, họ yêu cầu chuyển bệnh nhi lên bệnh viện tuyến trên.
Sau khi chuyển viện, bé gái tiếp tục được kiểm tra toàn diện một lần nữa. Kết quả cho thấy, bé bị chấn thương sọ não (sưng não, xuất huyết nội sọ), xuất huyết ở đáy mắt và thiếu máu trầm trọng. Nguyên nhân được đưa ra là do bố mẹ rung lắc con quá nhiều.
Bác sĩ giải thích, do não bộ của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển ổn định, cơ xương ở cổ còn rất yếu, dây chằng đàn hồi kém nên khó có thể tiếp nhận được sự chấn động do cơ thể bị rung lắc. Việc rung lắc cơ thể trẻ diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến não va đập vào sọ não, gây nên chấn thương. Những trường hợp tương tự xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 0 – 8 tháng tuổi, tỷ lệ tử vong cao đến 30.
Sau khi nắm được tình hình bệnh nhi, các bác sĩ đã nhận thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này đối với bé và tổ chức một cuộc hội chẩn. Họ quyết định sẽ tiến hành lọc máu và phẫu thuật dẫn lưu cho bệnh nhi. Sau hơn 10 ngày điều trị trong viện, cuối cùng sức khỏe của bé gái đã có chuyển biến tích cực, chỉ cần theo dõi thêm một thời gian ngán nữa là có thể ra viện.
Nguồn Tri thức trẻ