Bị rối loạn tiền đình không nên ngồi liên tục quá lâu
Theo bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, Giám đốc y khoa Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn, tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ 3 vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương. Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh.
Các chuyển động như quay mình, nghiêng sang phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhận. Não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không sử dụng được các tín hiệu này hoặc tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng.
Say sóng khi đi tàu biển, chóng mặt lúc ngồi xe là do cùng nguyên tắc. Ngồi trong máy bay gặp gió bão, máy bay chòng chành, ta không nhìn thấy thay đổi bên ngoài nhưng tai tiếp thu sự dao động, ta thấy choáng váng, xây xẩm.
Rối loạn tiền đình dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng máy lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Vì ngồi nhiều trong phòng máy lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày gây co thắt động mạch cột sống, dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát nếu không được chú ý kỹ.
Lưu ý khi mắc bệnh
Người mắc chứng rối loạn tiền đình cần tập thể dục thường xuyên, ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ quan sát sự vật chung quanh. Bệnh nhân không ngồi liên tục quá lâu, nhất là làm việc máy tính, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích.
Người bệnh cũng không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, hoảng hốt, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được leo trèo cao và phải hợp tác với thầy thuốc để việc điều trị được tốt.
Khi nào cần đi khám
Chóng mặt ít khi là triệu chứng của một bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng sau như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay.
Người bệnh cũng cần đến gặp bác sĩ khi bị mất định hướng không gian và thời gian. Nói khó khăn, tay chân run rẩy, cảm thấy lảo đảo, muốn té ngã, tê các đầu ngón chân, ngón tay, đau tức ngực hoặc nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, cũng là các triệu chứng bệnh.
Bệnh nhân cần thiết phải đi khám, vì ngoài rối loạn tiền đình, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.
Theo VNE