BV Đại học Y HN: Cứu sống người Nhật có hoàn cảnh đặc biệt
Cứu người là trên hết
TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngày 20/8/2017, khoa đã tiếp nhận ông N., 69 tuổi, người Nhật Bản được chuyển từ một bệnh viện tư sang trong tình trạng hôn mê, không có người thân hay người bảo lãnh bên cạnh, trong người cũng không có tiền để đóng viện phí. Tuy nhiên, xác định việc cứu người là trên hết nên ngay lập tức, trường hợp của ông đã được lãnh đạo bệnh viện tổ chức hội chẩn toàn viện, chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy có xuất huyết dưới nhện cần phải loại trừ vỡ phình mạch nên bệnh nhân tiếp tục được chụp động mạch vành số hóa xóa nền (DSA) động mạch não. Qua theo dõi thấy khối máu tụ trong não tăng lên, đe dọa tính mạng bệnh nhân nên ông N. đã được đưa lên phòng mổ cấp cứu. Nếu chần chừ, khối máu tụ sẽ ngày càng phình to gây nguy cơ tử vong cao do tụt não. Ca phẫu thuật diễn ra nhiều giờ đã thành công, tính mạng của ông N. được cứu sống. Hiện nay, ông đã được trở về quê hương Nhật Bản an toàn và khỏe mạnh.
Ông N. trong thời gian được điều trị tích cực tại Khoa cấp cứu- Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: TS.BS. Hoàng Bùi Hải
Tình người vượt biên giới
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thêm, mặc dù hoàn cảnh của người bệnh rất đặc biệt nhưng vì tinh thần nhân đạo, đạo đức nghề nghiệp, các bác sĩ ngoài đặt việc cứu người lên hàng đầu và đã thành công thì trong suốt thời gian sau phẫu thuật, người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện cũng được chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ từ việc theo dõi từng chỉ số sinh tồn đến việc dùng thuốc, ăn uống đến các sinh hoạt hàng ngày... do ông không có bất kỳ người thân nào bên cạnh. Các bác sĩ đã vượt qua khó khăn về rào cản ngôn ngữ để chăm sóc, phục vụ người bệnh trong suốt hơn một tháng ông N. nằm viện. Không chỉ dừng lại ở đó, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn nhiều lần làm việc và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong việc liên hệ với gia đình người bệnh cũng như tìm cách đưa ông N. về nước. Cuối cùng với nỗ lực của cả hai bên, ngày 1/10, ông N. đã hồi hương dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ Khoa cấp cứu và hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đi cùng. Cũng theo PGS.TS. Hiếu, đây không phải là trường hợp người nước ngoài đầu tiên vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch mà không có nhân thân, người đại diện, không có bảo hiểm hay khả năng chi trả... được cấp cứu, điều trị tận tâm.
Đến nay, cũng nhờ sự quan tâm của Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản, tiền viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng của ông N. đã được thanh toán cho bệnh viện nhưng với ông N. cùng nhiều người bệnh khác cái còn đọng lại mãi chính là tình người không biên giới, là y đức của người bác sĩ với sứ mệnh cứu người luôn được đặt lên hàng đầu dù người bệnh có là ai, có hoàn cảnh như thế nào. Qua trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần xem lại vấn đề về quản lý nhập cảnh với người nước ngoài không có tài chính, không có bảo hiểm hay người bảo lãnh để tránh những phiền hà cho cơ sở y tế khi bản thân họ có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những bệnh lý cấp tính, nguy hiểm và việc điều trị tốn kém, đòi hỏi sự chăm sóc dài ngày.
Theo SKĐS