Có nên lấy ráy tai khi hớt tóc và ngoáy bông tăm sau khi tắm?
Nhiều người có thói quen dùng bông tăm, chìa khóa ngoáy ngoáy lỗ tai cho... đã ngứa. Dễ gặp nhất là mấy anh hay đi hớt tóc, sẵn nhờ thợ lấy ráy tai bằng hàng tá dụng cụ, trông có vẻ chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta có nên ngoáy tai hay lấy ráy tai hay không? Xin nói ngay rằng các chuyên gia về tai phản đối điều này.
Vấn đề thường gặp ở tai là tắc nghẽn ráy tai. Nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý đúng cách. CBS News dẫn khuyến cáo từ Viện Tai - Mũi - Họng Mỹ về những việc không nên làm với đôi tai của chúng ta. Theo đó, các chuyên gia của viện này cho rằng không nên làm sạch tai quá mức, vì có thể gây kích ứng cho ống tai, dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí còn tăng thêm lượng ráy tai.
Ngoài ra, chúng ta không nên ngoáy bông tăm, chìa khóa, bút chì, tăm xỉa răng... vào tai vì có thể gây tổn thương ống tai vốn rất mỏng manh. Tổn thương thường thấy là trầy xước, thủng màng nhĩ, làm mất thính giác và ù tai hay chóng mặt...
"Không nên nhét bất cứ thứ gì nhỏ hơn cùi chỏ vào tai", các chuyên gia nhấn mạnh. Họ nói vậy là muốn mọi người biết rằng ráy tai không có gì xấu mà ngược lại, chúng giúp bảo vệ ống tai. Do đó, bạn không cần phải lấy ráy tai trừ trường hợp xảy ra một số vấn đề nào đó trong tai. Ráy tai còn là chất làm ẩm cần thiết cho ống tai và giúp ngăn ngừa bụi bẩn cũng như dị vật lọt sâu bên trong.
Ráy tai lâu ngày sẽ tự trôi ra theo thời gian và khi chúng ta tắm. Nhưng một số ít người sẽ gặp vấn đề như tắc nghẽn ráy tai. Cụ thể là cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người gặp tình trạng này.
Các chuyên gia khuyên rằng nếu gặp khó chịu gì với tai, trong đó có tình trạng ráy tai vón cục gây tắc nghẽn, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để kiểm tra và xử lý.
Ngoài ra cần chú ý rằng, các dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc thường không được khử khuẩn sau khi lấy vì vậy rất dễ lây bệnh từ người này sang người khác.
Nguồn Thanh Niên