Công nghệ khiến hoa quả nhập từ Trung Quốc về Việt Nam hạt mốc xanh nhưng vỏ vẫn tươi
Hoa quả hạt mốc xanh nhưng vỏ vẫn tươi ngon
Hoa quả được nhập từ vùng biên về Việt Nam tràn lan trên thị trường với giá chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với hoa quả trong siêu thị, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này thì ai cũng biết, thế nhưng người tiêu dùng vẫn cứ ‘nhắm mắt cho qua’ vì cũng ‘chẳng biết đâu mà lần’.
Để những trái hoa quả có thể tươi lâu đến tận vài tháng trong khi bên trong ruột, hạt đã mốc xanh thì các thương lái phải sử dụng chất bảo quản. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có đến hàng nghìn loại chất bảo quản, không biết đâu mà lường.
PGS-TS Phạm Xuân Đà cho biết tình trạng rau quả Trung Quốc nghi chứa hóa chất bảo quản độc hại đã xuất hiện từ rất lâu, cơ quan chức năng nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng không phát hiện gì bất thường vì không đủ phương tiện và căn cứ để đọc tên hóa chất ấy. Hiện nay, có đến 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản rau quả được sử dụng nhưng labo trong nước chỉ có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại.
Đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc, táo là một trong những loại khiến người tiêu dùng lo ngại hơn cả. Táo Trung Quốc vốn “đẹp mã”, ăn giòn, ngọt nhưng là loại trái cây tù mù về chất lượng nhất. Nhiều người đã từng mua phải loại táo kém chất lượng này cho biết, “Nhiều quả khi bổ ra thì hạt đã mốc xanh hoặc mục thối, trong khi vỏ ngoài vẫn trơn láng, ruột giòn tươi".
Hóa chất lạ ủ dấm hoa quả vẫn được thương lái Việt Nam không màng lợi nhuận mua về sử dụng, đồng nghĩa với việc không chỉ lợi ích mà sức khỏe của chính những người tiêu dùng đang bị đe dọa. Bởi hoa quả ngâm thuốc với nồng độ cao, bảo quản được nhiều ngày không chỉ mất chất dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều độc tố gây ung thư.
Những trái táo hạt đã mốc xanh nhưng vỏ vẫn tươi nguyên.
Loại thuốc nào đang được ‘phù phép’
Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng phát hiện một mẫu lê nhập từ Trung Quốc chứa dư lượng thuốc trừ sâu Endosulfan. Đây là hóa chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên Hiệp Quốc bởi độc tính cao, có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.
PGS.TS. Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cũng thừa nhận: “Để thí nghiệm, tôi đã mua quả lê Trung Quốc để ở phòng làm việc, đến nay hơn 5 tháng cũng chưa hỏng. Tuy nhiên, để kiểm nghiệm quả lê này được dùng chất gì để bảo quản mà vẫn tươi mới là điều rất khó khăn, vì trang thiết bị còn lạc hậu có nhiều chất không thể phát hiện được”.
Ảnh cắt từ video của ANTV.
Qua tìm hiểu, các tiểu thương cho hay, chỉ cần sử dụng một loại thuốc lạ ngâm với hoa quả vừa có thể khiến hoa quả chín đều màu vừa có thể bảo quản được hoa quả trong nhiều ngày. Loại thuốc này dạng nước được đựng trong một lọ nhựa màu trắng, trên bao bì lọ thuốc in nhiều tiếng Trung Quốc và cảnh báo nguy hiểm.
Cách làm khá đơn giản, chỉ việc hòa dung dịch vào nước, thả hoa quả xanh vào hỗn hợp trên 1 lúc rồi vớt ra cho vào tải, một hai hôm là hoa quả chín vàng.
Đây là một chất hóa học có tên là ethephon. Chất này có khả năng kích thích sinh trưởng thúc quả chín nhanh, thực chất không gây hại nhiều đến sức khỏe của người sử dụng.
PGS. TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN cho biết: "Ethephon là một dẫn xuất của axit photphoric. Theo FBA, ethephon là chất không độc".
Dưới tác dụng của thuốc chỉ sau hai ngày những trái chuối được ủ trong túi đã chín đều màu. Mặc dù, bản thân ethephon an toàn nhưng đối với các loại thuốc trôi nổi không qua kiểm định nào thì rất khó kiểm soát lượng tồn dư các tạp chất có trong nó.
PGS Trần Hồng Côn chia sẻ thêm: "Nếu không được kiểm soát, những tạp chất trong thuốc là những chất gây độc, gây ngộ độc thần kinh".
Tình trạng hoa quả kém chất lượng, được ủ thuốc vẫn cứ tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước việc lựa chọn mua gì, ăn gì hôm nay. Thậm chí các loại hoa quả này còn bị trà trộn với các loại hoa quả ‘xịn’ nên đôi khi người tiêu dùng vẫn ‘tiền mất tật mang’, mất tiền thật mua hàng giả.
Theo Đời sống & Pháp luật