Đái tháo đường – đại dịch toàn cầu thế kỉ 21 và những con số đáng báo động
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuy không phải là bệnh lây nhiễm nhưng được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” và đang có xu hướng trở thành đại dịch thứ 4 của nhân loại, sau tim mạch, ung thư và AIDS. Mỗi năm, toàn thế giới phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ USD chi phí trực tiếp cho chữa trị, phòng ngừa biến chứng và các công trình nghiên cứu lớn nhỏ về phương pháp điều trị bệnh, nhưng vẫn không thể lấp đầy những tổn thất và hậu quả khốc liệt do bệnh đái tháo đường gây ra.
Những con số đáng báo động
Bệnh đái tháo đường đang là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo dữ liệu thống kê năm 2014, trên toàn cầu hiện có khoảng 422 triệu người đang phải đối mặt với căn bệnh này (chiếm 8,5% dân số Thế giới). Như vậy, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng báo động là cứ 3 giây lại có một bệnh nhân bị đái tháo đường mới được phát hiện. Nghiêm trọng hơn, cứ 6 giây trôi qua, thế giới lại thêm một người chết vì ĐTĐ.
Tại Việt Nam, PGS.TS Tạ Văn Bình - Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam nhận định: “Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ bệnh đái tháo đường lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam nằm trong số quốc gia có bệnh đái tháo đường đang phát triển nhanh nhất”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong suốt 10 năm qua, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng 211%. Cũng theo một thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam mỗi ngày có đến hơn 150 người chết vì bệnh đái tháo đường, cao gấp 7 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Căn bệnh này đang ngày càng đặt nhiều gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế và an sinh xã hội của Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Video: Trại hè cho trẻ em mắc đái tháo đường
Thách thức nền kinh tế - xã hội
Xét về mặt kinh tế - xã hội, tác hại của bệnh ĐTĐ không kém gì thiệt hại do các tai họa thiên nhiên lớn như sóng thần hay siêu bão. Hầu hết các quốc gia phải dành một phần ngân sách đáng kể để phòng và điều trị bệnh. Hiện nay, ước tính chi phí chăm sóc y tế hàng năm trên toàn thế giới cho bệnh nhân ĐTĐ vào khoảng 223 tỷ USD và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF) ước tính, chi tiêu cho bệnh ĐTĐ trên toàn thế giới tối thiểu sẽ là 561 tỷ đôla vào năm 2030. Đáng báo động, tuy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tiềm ẩn 3 yếu tố nguy cơ: Tốc độ phát triển nhanh, người bệnh đang “trẻ hóa” và nhận thức cộng đồng vè ĐTĐ còn rất thấp.
Đối với bản thân người bệnh, bên cạnh nguy cơtử vong nếu không được điều trị, ĐTĐ đang ngày càng làm suy yếu chức năng của các cơ quan trong cơ thể như: tim, thận, mắt, và thần kinh… Trong khi đó, chi phí để điều trị căn bệnh này rất tốn kém, vì phải điều trị bệnh lâu dài. Hơn nữa, biến chứng của ĐTĐ còn khiến nhiều người mất khả năng lao động, giảm thu nhập cho gia đình.
Mặc dù hàng nghìn tỷ đô la chi trả mỗi năm cho nghiên cứu phương pháp trị ĐTĐ, nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm (chữa khỏi hoàn toàn) cho căn bệnh này. Mọi nỗ lực của y học hiện đại và y học cổ truyền trên toàn cầu mới chỉ dừng lại ở việc làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh, làm giảm các biến chứng của người đã mắc bệnh ĐTĐ. Do đó, việc dùng thuốc đối với người bệnh là bắt buộc và phải duy trì cả đời.
ĐTĐ là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, tuy nhiên, chưa được quan tâm, chú ý đúng mức ở Việt Nam. Có rất nhiều trường hợp phát hiện ĐTĐ khi bệnh nhân đã gặp các biến chứng như hôn mê dẫn đến tử vong nhanh chóng (cấp tính), bệnh lý võng mạc gây mù lòa, suy thận, suy động mạch vành, tai biến mạch máu não,... Rõ ràng, người dân vẫn chưa ý thức được đầy đủ mức độ nghiêm trọng và hậu quả của căn bệnh này.
Đã đến lúc, toàn xã hội cần nhận thức một cách đúng đắn, toàn diện về mức độ nguy hiểm của bệnh ĐTĐ, cùng nhau chung tay phòng chống đại dịch toàn cầu thế kỷ 21.
Ths.Bs Đỗ Đình Tùng
Theo Tạp chí Đái tháo đường