Menu
×

Chăm sóc bàn chân ở người bệnh đái tháo đường

Ngày đăng: 03/07/2017 In bài viết này

SKNT - Bệnh ĐTĐ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong những biến chứng ảnh hưởng lớn đến vận động, sinh hoạt và khả năng lao động của bệnh nhân đó là biến chứng bàn chân do ĐTĐ. Các biến chứng bàn chân do đái tháo đường thường gặp như: Biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử ngón chân… là nguyên nhân phổ biến nhất trong nhóm nguyên nhân không phải chấn thương gây cắt cụt chi ở các nước phát triển.

Cụm từ bàn chân Đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tổn thương bàn chân do ĐTĐ rất thường gặp. Đây là vấn đề rất quan trọng có liên quan tới sự chăm sóc y tế, kinh tế và xã hội. Bàn chân ĐTĐ là nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý bàn chân:

Hàng ngày, bàn chân phải chịu một trọng lực rất lớn của toàn bộ cơ thể, có hai yếu tố chính gây ra biến chứng bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ: tổn thương mạch máu và tổn thương thần kinh.

- Tổn thương mạch máu:

Thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ, hẹp, nó làm giới hạn dòng máu đến chân. Máu mang oxy đến các mô của cơ thể và làm cho các mô được khỏe mạnh. Sự nghèo tuần hoàn làm cho da trở lên khô, nứt nẻ, hoặc có thể gây tổn thương loét và nhiễm trùng.

Các dấu hiệu lâm sàng: biểu hiện lâm sàng của tổn thương mạch máu thường kín đáo.

+ Dấu hiệu đau cách hồi: đau vùng bắp chân, bàn chân, đau khi đi lại, nghỉ ngơi thì giảm đau, khiến bệnh nhân đi tập tễnh. Đây là biểu hiện sớm của tổn thương mạch máu. Tuy nhiên, cũng có thể có đau hoặc không xuất hiện đau.

+ Cảm giác lạnh hoặc tê bì hai chân: cảm giác lạnh hai bàn chân có thể xuất hiện sớm cũng có thể xuất hiện muộn, đôi khi hai bàn chân có biểu hiện mỏi khi đi bộ hoặc vận động.

+ Đau hai chân hoặc một chân xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi: đây là biểu hiện của giai đoạn muộn. Đau tăng lên khi đưa chân lên cao hoặc khi thời tiết lạnh.

- Tổn thương thần kinh: Các biểu hiện lâm sàng thường gặp:

+ Cảm giác lạnh ở hai chân.

+ Ngứa và dị cảm ở da, cảm giác bứt rứt khó chịu ở hai bàn chân.

+ Cảm giác bỏng rát, nóng ran ở hai bàn chân.

Bệnh tiến triển dần dần, các biểu hiện sớm là xuất hiện đau hai chân đặc biệt là về ban đêm, làm cho bệnh nhân rất khó chịu, mất ngủ. Sau đó đau cả lúc nghỉ ngơi, cảm giác nặng hai chân đi lại khó khăn. Dần dần dẫn đến mất cảm giác ở chân, bàn chân làm cho bệnh nhân không thấy đau.

Nếu tổn thương mạch máu ngoại vi kèm theo bệnh lý thần kinh thì vết thương khó lên sẹo, vết thương có thể tiến triển thành loét và hoại tử nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Cách chăm sóc bàn chân đái tháo đường:

1. Hãy quan tâm tới bệnh đái tháo đường của bạn;

Hãy chọn cho mình lối sống lành mạnh để giúp giữ được đường huyết, huyết áp, cholesterol ở mức bình thường.

- Ngừng hút thuốc lá và uống rượu.

- Hoạt động thể lực hàng ngày.

- Kiểm soát tốt các bữa ăn: giảm lượng đường, mỡ, tăng cường hoa quả mỗi ngày.

Hãy lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp với cuộc sống của bạn.

- Lập kế hoạch chăm sóc bàn chân.

- Lập kế hoạch khám định kỳ hàng tháng, hàng quý.

- Giữ mối liên hệ tốt với bác sỹ.

Những việc làm này có thể phòng tránh hoặc trì hoãn các biến chứng về bàn chân, mắt, bệnh thận và bệnh tim mạch.

2. Hãy kiểm tra chân của bạn mỗi ngày:

- Tìm một thời điển thích hợp (buổi tối là tốt nhất) để kiểm tra chân hàng ngày, và làm điều đó như một thói quen của bạn.

- Chọn nơi có đầy đủ ánh sáng để quan sát kỹ bàn chân và kẽ ngón chân, tìm các vết nứt nẻ trên da, ngón chân, vết xước, vết phồng rộp, vết thâm và những chỗ đau trên da, chỗ chai chân.

- Nếu như bạn không thể cúi được để nhìn bàn chân của mình được, hãy sử dụng một cái gương, hoặc là có thể hỏi một người trong gia đình hoặc người chăm sóc cho bạn.

3. Hãy rửa chân hàng ngày:

- Rửa sạch sẽ và kỹ lưỡng bàn chân của bạn, đặc biệt là giữa các kẽ ngón chân, nên dùng xà phòng trung tính hoặc sữa tắm.

- Rửa bằng nước ấm không quá nóng và không quá lạnh, không được ngâm chân trong nước lâu quá 15 phút.

- Trước khi rửa hoặc tắm hãy kiểm tra nước để chắc chắn rằng nó không nóng quá. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế hoặc dùng mu tay, khuỷu tay.

- Sau khi rửa dùng khăn lau khô chân, đặc biệt giữa các kẽ ngón chân. Có thể dùng bột tan, phấn rôm để bôi vào các kẽ ngón để tránh ấm ướt kẽ ngón. Thoa kem dưỡng da lên trên và dưới lòng bàn chân để giữ cho da được ẩm, làm mềm da; chú ý không dùng các loại kem có chứa các thành phần như salisilic, corticoid vì sẽ làm tổn thương lớp da lành.

- Chú ý: không được bôi kem, dầu gió vào giữa các kẽ ngón chân, sẽ làm kẽ ngón chân thêm ẩm ướt dễ dẫn đến nầm hoặc tạo điều kiện nhiễm trùng.

4. Hãy cắt tỉa móng chân mỗi tuần hoặc khi cần thiết:

- Dùng bấm móng hoặc giũa cắt tỉa móng chân theo đường thẳng, và làm nhẵn cạnh móng bằng một tấm bìa mài hoặc cái giũa móng.

- Chú ý:

+ Không được cắt vào trong góc của móng chân.

+ Nếu móng mọc quặp, mọc vào trong da, người bệnh phải đến phòng khám bàn chân để nhân viên y tế được đào tạo cắt móng quặp và hướng dẫn cách dự phòng loét khi có móng quặp.

5. Hãy bảo vệ bàn chân của bạn:

- Không được đi chân trần, kể cả trong nhà, để phòng trường hợp có thể dẫm hoặc va đập vào một vật gì đó có thể làm tổn thương chân của bạn.

- Khi đi trên đường hoặc bãi biển, vỉa hè nóng, phải đi giầy để tránh bị bỏng vì bàn chân người ĐTĐ thường giảm hoặc mất cảm giác nóng lạnh.

- Hãy đi tất vào buổi tối nếu chân của bạn bị lạnh, đi những đôi tất không được bó cổ để phòng trường hợp máu không lưu thông được.

- Trước khi đi giầy hãy dùng tay kiểm tra để chắc chắn không có vật gì trong giày.

- Đi những đôi giầy phù hợp, không được quá cao, không bó bàn chân và gót chân. Không đi giầy mũi quá nhọn.

- Không được chườm nóng hoặc sưởi chân, kể cả khi thấy tê bì, lạnh chân, không được ngâm chân vào nước ấm, nước nóng nhằm bảo vệ bàn chân tránh bị bỏng, tổn thương do nhiệt.

6. Hãy giữ cho mạch máu được lưu thông:

- Hãy đặt chân lên cao nếu có thể.

- Hãy cử động tập thể dục cho ngón chân trong 5 phút, làm 2-3 lần trong ngày, hãy tập thể dục vận động bàn chân hàng ngày để cải thiện mạch máu ở chân và cẳng chân (như đi bộ, nhảy, bơi lội hoặc đạp xe là bài tập thể dục tốt mà dễ cho bàn chân).

- Không bắt chéo chân trong thời gian dài.

- Không đi những đôi tất chật, đàn hồi hoặc có đai cao su hoặc nút quanh cổ chân.

7. Hãy lập kế hoạch chăm sóc bàn chân của bạn ngay từ ngày hôm nay.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan

Trưởng khoa Nội tiết- chuyển hóa Bệnh viện Tuệ Tĩnh