18 TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Hãy chia sẻ làm giám gánh nặng cho bệnh nhân đái tháo đường
1. Những lo lắng của người bệnh khi phát hiện đái tháo đường ?
- Với những người khi được khám định kỳ ngẫu nhiên phát hiện đường máu tăng lên cao, khả năng chối bỏ bệnh lớn với biện minh rằng mình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, có thấy cơ thể có biểu hiện gì đâu?
- Sự chủ quan bỏ qua và sinh hoạt như bình thường mà không đề phòng góp phần thúc đẩy căn bệnh ngày càng phát triển và ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe.
- Với nhóm đối tượng có trình độ hiểu biết, khi phát hiện bị bệnh, họ tìm hiểu tài liệu và học hỏi từ những người đã bị đái tháo đường trước đó. Nhưng sau khi có những thông tin bệnh, họ sợ hãi và luôn sống trong nỗi ám ảnh biến chứng, bệnh tật. Bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ nhất trong cơ thể cũng làm họ lo lắng tột độ.
2. Những việc bạn nên làm sau khi phát hiện mắc bệnh đái tháo đường ?
- Trong trường hợp này, bạn hãy tìm đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa làm những xét nghiệm cần thiết và cần có sự tin tưởng vào sự tư vấn của các bác sĩ.
- Điều quan trọng là hãy bình tĩnh, không nên lo lắng quá vì bị đái tháo đường không phải là dấu chấm hết tất cả, trái lại bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc và sáng tạo.
- Tuy nhiên, thời điểm này bạn cần thay đổi lại lối sống theo chiều hướng có lợi cho sức khoẻ: Thay đổi chế độ ăn uống: hạn chế đồ ngọt, tinh bột, ăn nhiều rau xanh chất xơ và tăng cường tập luyện thể dục thể thao.
3. Bình tĩnh, lạc quan để vượt qua bệnh đái tháo đường thật đơn giản ?
- Sau khi đã được chẩn đoán rõ ràng, người bệnh cần bình tĩnh đã vượt qua giai đoạn không tin, chối bỏ sự thật. Khi ấy, cuộc sống sẽ đi theo hướng tích cực hơn, đường máu dần ổn định, sức khoẻ khá hơn vì không còn bị nỗi lo ban đầu ám ảnh. Hãy luôn tin rằng: đội ngũ chuyên gia y học thế giới vẫn đang tìm kiếm những phương pháp điều trị, tìm các loại thuốc mới hiệu quả hơn, nhanh và ít đau hơn.
- Thăm khám định kỳ, tham gia các câu lạc bộ dành cho người bệnh đái tháo đường cũng là cách giúp người bệnh có thêm kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau khi trò chuyện.
- Ngoài ra cũng đừng nên quá tin vào những lời quảng cáo hay đồn thổi về các phương pháp truyền miệng hay gia truyền nào đó có thể chữa khỏi hẳn bệnh đái tháo đường. Vì thực tế hiện nay, chưa có thuốc nào chữa dứt điểm căn bệnh này.
4. Người thân mắc bệnh đái tháo đường, bạn nên làm gì?
- Khi bạn muốn giúp đỡ người thân mắc bệnh đái tháo đường, bạn cần động viên và khuyến khích họ nhiều hơn là cằn nhằn, phê phán hoặc cho họ những lời khuyên vô ích.
- Bạn nên giúp đỡ người thân của mình lựa chọn thực phẩm phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên loại bỏ những thức ăn vặt kém dinh dưỡng và những thức uống chứa nhiều đường ra khỏi thực đơn để không những cải thiện tình trạng sức khỏe của người thân mắc bệnh đái tháo đường mà còn cho cả gia đình của bạn.
- Hỗ trợ người bạn thương yêu bằng cách tập thể dục cùng họ.
- Bạn nên biết triệu chứng hạ đường huyết và cách xử lý nhanh.
- Sự lo lắng và căng thẳng không chỉ gây ra chứng mất ngủ và chính sự thiếu ngủ lại làm cho người thân của bạn trở nên càng căng thẳng hơn nữa. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm tăng đường huyết. Do vậy, hãy khuyên họ ngủ đúng giờ và đủ 8 tiếng mỗi ngày.
5. Các nguyên nhân nào gây hạ đường máu?
- Hạ đường máu do ăn không đúng bữa hoặc bỏ bữa (đặc biệt là bữa ăn sáng).
- Hạ đường máu do nhịn đói lâu ngày.
- Hạ đường máu do uống nhiều rượu bia, đặc biệt uống lúc đang đói.
Mệt mỏi, nhức đầu trong hạ đường máu
6. Các dấu hiệu hạ đường máu bạn cần biết ?
- Đói bụng - Run rẩy
- Mệt mỏi, yếu sức - Toát mồ hôi
- Nhức đầu - Mờ mắt
- Ù tai - Tim đập nhanh
- Lo âu - Cáu kỉnh
Hình ảnh các dấu hiệu hạ đường huyết cần chú ý
7. Bạn xử trí hạ đường máu như thế nào ?
- Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, socola, nước ngọt có đường… trong túi để lúc xảy ra hạ đường máu có thể dùng ngay. Hạ đường máu nhẹ thì dùng ngay bánh, hoa quả, sữa … hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà.
- Nếu có sẵn máy thử đường máu, làm ngay xét nghiệm đường máu mao mạch (ĐMMM < 3,9 mmol/l : bắt đầu có dấu hiệu hạ đường huyết).
- Nếu có dấu hiệu lơ mơ, mệt thỉu, co giật cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
8. Cách phòng tránh hạ đường máu ?
- Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh đái tháo đường. Không nên kiêng khem quá mức bỏ ăn.
- Cần có ché độ luyện tập thường xuyên , phù hợp với từng người.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
- Nếu bệnh nhân tự tiêm insulin tại nhà cần chuẩn bị sẵn đồ ăn trước khi tiêm, sau khi ăn 15 đến 30 p nên ăn luôn tránh gây hạ đường huyết.
Tự thử đường máu mao mạch tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ
9. Cần luyện tập thể dục như thế nào cho có hiệu quả ?
- Phải coi luyện tập như một phương pháp điều trị.
- Phải thực hiện nghiêm túc theo chương trình được hướng dẫn.
- Phải phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và sở thích cá nhân.
- Nên tập những môn cần sự dẻo dai bền bỉ hơn là những môn cần sử dụng nhiều thể lực.
- Để đạt được mục đích, hàng ngày bạn phải đạt được 30-45 phút/ ngày, một tuần ít nhất phải từ 4 đến 5 ngày.
Đi bộ là môn thể dục dễ tập, mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người đái tháo đường
Aerobic môn tập thể dục tốt cho người đái tháo đường
10. Những điều cần chú ý khi luyện tập thể dục ?
- Không nên ăn quá no trước khi luyện tập.
- Bạn cũng không nên bắt đầu các bài tập khi lượng đường trong máu ở mức lớn hơn 180mg/dL(10mmo/l) hoặc dưới 80 mg/dL(4,5mmol/l) vì có khả năng làm tăng hoặc hạ đường huyết quá mức.
- Không nên tập thể dục khi nhịp tim quá cao, huyết áp không ổn định.
- Sau quá trình luyện tập, nếu bạn bị tụt đường huyết thì có thể bổ sung bằng cách ăn các loại thực phẩm nhiều calo như một ly sữa hay một chiếc bánh sandwich, bơ đậu phộng…
11. Chế độ ăn cho người đái tháo đường ?
- Nên chia thành 03 bữa ăn chính – cố định thời gian cho các bữa ăn (không ăn quá no 1 bữa). Nên ăn bữa sáng là chính, bữa trưa trung bình, tối ăn ít.
- Không nên ăn tráng miệng hoặc uống sữa ngay sau bữa ăn chính mà nên ăn vào giữa các bữa ăn (10 giờ sáng và 3-4 giờ chiều).
- Sau bữa ăn tối thì không nên ăn gì nữa, trước khi đi ngủ nếu gầy thì uống ½ cốc sữa cho người đái tháo đường.
12. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn như thế nào ?
- Tinh bột: Nên sử dụng vừa đủ các loại ngũ cốc nguyên hạt và rau xanh (2 miệng bát cơm nhỏ mỗi bữa, tốt hơn nên ăn 3 bát cơm buổi sáng và ăn 1 bát cơm buổi tối). Không nên sử dụng nhiều các loại thực phẩm có lượng đường cao (đường, siro, mứt, bánh kẹo, miến dong, bánh mỳ…).
- Chất béo: Nên ăn : bơ và dầu oliu, dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu cá. Không nên sử dụng mỡ động vật, bánh quy giòn hoặc một số loại thực phẩm chiên trong chất béo.
- Chất đạm: Nên ăn các loại đạm thực vật: đậu, ngũ cốc, các loại hạt. Có thể kết hợp các loại đạm động vật: thịt, gia cầm, cá.
Tháp dinh dưỡng cho người đái tháo đường
13. Các loại thực phẩm không nên dùng ?
- Hạn chế dùng (không phải kiêng hoàn toàn): phủ tạng động vật: tim, gan, ruột,…, mỡ động vật, miến dong, bánh mỳ, các loại quả có hàm lượng đường cao (táo, nhãn , vải ,mít …).
- Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường, mứt các loại.
- Các loại quả sấy khô.
- Rượu bia, nước ngọt có đường.
- Đồ hộp, thịt hộp, pate, xúc xích.
Các loại thực phẩm không nên dùng trong bệnh đái tháo đường
14. Cách chế biến thực phẩm đạt hiệu quả cao nhất ?
- Nên chế biến thực phẩm dạng luộc, hầm
- Hạn chế các món rán, các loại mỡ động vật
- Các loại khoai củ không nên chế biến dưới dạng nướng
- Hạn chế sử dụng nước quả ép, xay sinh tố, nên ăn cả múi để có chất xơ
15. Cách theo dõi đường huyết ?
Xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm quan trọng nhất đối với người bệnh đái tháo đường. Đây là chỉ số giúp người bệnh theo dõi, kiểm soát diễn biến bệnh.
Chỉ số đường huyết hàng ngày:
- Giúp xác định nồng độ glucose trong máu tại thời điểm đo. Để có đánh giá chính xác, người bệnh nên đo vào lúc đói (sau 8h) hoặc sau ăn 2h. Việc kiểm tra đường huyết hàng ngày giúp người bệnh kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập; đồng thời có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời hội chứng tăng hay giảm đường huyết. Đối với người bệnh phải điều trị bằng insulin, theo dõi đường huyết hàng ngày giúp điều chỉnh liều insulin phù hợp với tình trạng bệnh.
- Ghi lại các chỉ số đường huyết đo được, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ.
16. Các biến chứng cần biết của bệnh đái tháo đường ?
- Biến chứng mắt do đái tháo đường
Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, gây bệnh võng mạc đái tháo đường. Dần dần, người bệnh bị suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp….
- Các vấn đề về tim mạch
Đường huyết tăng cao dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.
-Bệnh thần kinh đái tháo đường
Là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường, bao gồm: Giảm cảm giác như đau, nóng hoặc tiếp xúc và thần kinh kiểm soát vận động, di chuyển cơ bắp ngoài ra còn ảnh hưởng đến nhịp tim, nhịp thở, tuyến tiết (mồ hôi, dịch tiết)…
-Bệnh thận do đái tháo đường
Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch (mạch máu nhỏ) tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận không hồi phục.
-Biến chứng nhiễm trùng của đái tháo đường
Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền… Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.
Các biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường
17. Cách phòng ngừa các biến chứng trên như thế nào ?
- Về biến chứng mắt: Kiểm soát tốt đường huyết, khám mắt tối thiểu mỗi năm một lần. Nếu thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hay có cảm giác ruồi bay trước mắt, ấn vào quầng mắt thấy đau, nhức... người bệnh phải ngay lập tức đi khám để điều trị kịp thời.
- Về biến chứng tim mạch: Kiểm soát tốt các chỉ số đường máu, mỡ máu và huyết áp trong giới hạn cho phép cùng với chế độ ăn, tập luyện khoa học.
- Về biến chứng thần kinh: Kiểm soát tốt đường huyết, vệ sinh và chăm sóc bàn chân đúng cách hàng ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng. Sử dụng chế phẩm có chứa acid alpha lipoic (ALA) - chất chống oxy hóa mạnh, có lợi thế thấm tốt vào mô thần kinh để hỗ trợ điều trị, cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
- Về biến chứng thận: Duy trì đường huyết, huyết áp về ngưỡng bình thường, kết hợp với chế độ ăn giảm muối, giảm đạm. Ít nhất mỗi năm 1 lần, bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và bệnh nhân ĐTĐ týp 1 bị bệnh trên 5 năm nên làm xét nghiệm microalbumin trong nước tiểu để phát hiện sớm các tổn thương ở thận.
- Kiểm soát đường huyết trong giới hạn, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là một số vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, sinh dục hay tiết niệu.
- Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng như: sốt; dịch âm đạo có mùi khó chịu; đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu hay mùi hôi. Hoặc khi có các vết thương hay xây xước nhỏ lâu lành... Người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ.
18. Tầm quan trọng của việc suy nghĩ tích cực khi mắc bệnh đái tháo đường ?
Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn để giữ lượng đường trong máu ổn định, ít ai biết được rằng suy nghĩ tích cực và lối sống lạc quan chính là một bí quyết quan trọng giúp chiến thắng bệnh đái tháo đường!
Cuộc sống đương nhiên có những khó khăn và thách thức khiến bạn phải đối mặt trong từng ngày. Khó khăn có thể đã được cảnh báo trước, nhưng cũng có thể xuất hiện một cách tình cờ. Điều quan trọng không phải là bạn thụ động đón nhận chúng, mà chính là thái độ trong việc tiếp nhận và đương đầu với thách thức. Với người bệnh đái đường, có vô vàn chông gai mà họ phải vượt qua kể từ khi được chẩn đoán. Thế nhưng bằng cách suy nghĩ tích cực, lạc quan, giải quyết sự việc một cách đơn giản và khoa học nhất, bạn có thể lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Có thể bạn chưa biết, nhưng nếu bạn cười nhiều hơn thay vì buồn rầu, lo lắng, đường huyết sẽ được kiểm soát tốt hơn, bạn ít có nguy cơ đối diện với biến chứng và tuổi thọ của bạn cũng sẽ được kéo dài.
Sống vui, sống khỏe, suy nghĩ tích cực lạc quan
BS : Phạm Tiến Đạt
BV Đa Khoa tỉnh Thái Bình