Đau đầu nguyên nhân và những dấu hiệu nguy hiểm

SKNT - Ðau đầu do căng thẳng không gây rối loạn chức năng hệ thần kinh hay gây tổn thương não. Nhưng chứng đau nửa đầu thì có thể làm bệnh nhân đột quỵ.

Nguyên nhân của đau đầu nguyên phát là gì?

Ðau đầu do căng thẳng: nguyên nhân chưa rõ, có thể do bệnh nhân chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống, hay làm việc quá sức. Một số nghiên cứu cho thấy chứng đau đầu này có vẻ như có nguyên nhân tương tự chứng đau nửa đầu.

Chứng đau nửa đầu: nguyên nhân thường liên quan tới sự dãn của các mạch máu trong sọ và các hoá chất trung gian được tiết ra từ các sợi thần kinh nằm quanh đó. Người ta thấy rằng khi cơn đau xuất hiện, động mạch thái dương thường  dãn rộng (động mạch thái dương là một nhánh động mạch nằm ngoài hộp sọ, ngay bên dưới da vùng thái dương). Khi động mạch này dãn nở, nó làm căng các sợi thần kinh nằm gần đó, các sợi thần kinh khi bị căng thì tiết ra các hoá chất có khả năng gây đau, viêm, và làm mạch máu thêm dãn nở, càng làm cơn đau nặng thêm.

Cơn migraine làm kích hoạt hệ thống giao cảm, là phần của hệ thần kinh điều khiển những đáp ứng đầu tiên, tức thời của cơ thể khi bị đau hay bịstress. Bộ máy giao cảm khi bị kích hoạt, tác động lên hệ tiêu hoá gây buồn nôn, nôn và tiêu chảy, làm thức ăn chậm xuống ruột, ứ đọng lại trong dạ dày, vì thế ngăn cản sự hấp thu các thuốc dùng theo đường uống. Chính vì nguyên nhân này nên các thuốc điều trị chứng đau nửa đầu sẽ không hiệu quả nếu đựợc dùng bằng đường uống. Ðối với hệ thống mạch máu trong cơ thể, tác động của hệ giao cảm là làm co mạch, vì vậy da bệnh nhân bị tím tái, chân tay lạnh. Nó còn ảnh hưởng lên các giác quan như thính và thị giác gây sợ tiếng động, mờ mắt.

Ðau đầu từng lúc: không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Thuốc lá và rượu có thể làm thúc đẩy cơn đau.

Thuốc lá và rượu có thể làm thúc đẩy cơn đau đầu

Đau đầu nguyên phát có nguy hiểm không?

Ðau đầu do căng thẳng không gây rối loạn chức năng hệ thần kinh hay gây tổn thương não. Nhưng chứng đau nửa đầu thì có thể làm bệnh nhân đột quỵ, tuy nhiên cũng hiếm gặp, nếu có thì đó là chứng đau nửa đầu có biến chứng.

Ðối với bệnh đau đầu từng cơn, dù cần phải phân biệt với các bệnh lí thực thể nguy hiểm khác của não, nhưng cũng không chứng minh được bệnh này có thể làm bệnh nhân đột quỵ.

Nguyên nhân của đau đầu thứ phát là gì ?

Các nguyên nhân của đau đầu thứ phát thường gặp là:

Ung thư não:

kể cả u nguyên phát ở não lẫn u di căn từ nơi khác đến như từ vú, từ phổi.

Máu tụ dưới màng cứng (màng cứng là một lớp màng bao bọc não bộ) sau khi chảy từ các tĩnh mạch não bị vỡ. Ðiển hình gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, các tĩnh mạch này vỡ sau một chấn thương vào đầu do ngã hay do va chạm. Bệnh nhân đến khám bác sĩ vì đau đầu kéo dài, thậm chí không nhớ gì đến cú ngã hay va đập trước đó. Triệu chứng là đau đầu mãn tính, kéo dài, thay đổi tính tình, yếu liệt chân tay.

Máu tụ ngoài màng cứng:

máu chảy thường rất nhanh vì xuất phát từ các động mạch màng não nằm ngay ở mặt trong của não, điển hình thường bị sau một chấn thương mạnh vào đầu làm bệnh nhân choáng váng và gây vỡ sọ. Sau khi tỉnh lại một thời gian, bệnh nhân sẽ đột ngột đi vào hôn mê khi máu chảy nhanh và nhiều, chèn ép não.

Viêm nhiễm:

Viêm màng não do vi trùng, như não mô cầu (meningococcus), phế cầu (pneumococus), lao, bệnh Lyme, nhiễm nấm cryptococcus.

Ðột quỵ:

Do cục máu đông gây tắc mạch máu não, hay do đứt mạch máu não.

Xuất huyết khoang màng nhện: do máu chảy vào khoảng giữa não và màng nhện bao bên ngoài. Thành động mạch có một số nơi bị yếu, phình ra tạo thành các túi phình, các túi này có thể vỡ làm xuất huyết vào khoang màng nhện.

Cơn tăng huyết áp ác tính (những cơn tăng huyết áp nhẹ hay trung bình thường không gây đau đầu).

Chứng đau nửa đầu có thể làm bệnh nhân đột quỵ 

Viêm động mạch thái dương:

Thường xảy ra nguyên phát ở bệnh nhân cao tuổi, có thể kèm theo mệt mỏi, đau nhức người, thiếu máu. Nếu không được điều trị đặc hiệu, viêm động mạch thái dương có thể làm bệnh nhân mù hay đột quỵ.

Ðau đầu do tăng nhãn áp (tăng áp suất cao bất thường trong mắt).

Viêm xoang, viêm tai, viêm nướu răng.

Giảm hoạt động của tuyến giáp: do tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giáp như bình thường.

Ngộ độc carbon monoxide (CO ) thường xuyên.

Bệnh Parkinson.

Do thuốc:

Như indomethacin, estrogen, progestin, thuốc ức chế kênh Calcium (thường dùng điều trị tăng huyết áp), các thuốc ức chế việc tái hấp thu seretonin chọn lọc (thuốc điều trị trầm cảm).

Lạm dụng thuốc giảm đau:

Dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng "kháng thuốc", mất tác dụng của thuốc, cơn đau đầu không khống chế được nữa.

Thiếu máu cơ tim (thường do bệnh lí mạch vành): thiếu máu cơ tim ngoài gây đau thắt ngực còn có thể gây đau đầu. Ðau đầu có thể xảy ra đồng thời với cơn đau ngực, và nếu như vậy, đau đầu có thể xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi.

Benh.vn

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.