Đề xuất cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong ngành y tế

SKNT - Trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin về việc thực hiện cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực y tế. Dự kiến tháng 12 tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 để Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết ngay từ năm 2010, Bộ Y tế đã có các đề án kiểm soát TTHC, đơn giản hóa 227 TTHC. Theo đánh giá, việc đơn giản TTHC này đã giúp tiết kiệm 1000 tỉ đồng mỗi năm.

Hàng năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn xây dựng theo phương án đơn giản hóa TTHC, đưa ra các nhóm trọng tâm trọng điểm liên quan lợi ích người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2015, Bộ Y tế đã rà soát các nhóm TTHC liên quan đến khám chữa bệnh cho người dân. Qua xem xét, đối chiếu tính toán đã tiết kiệm 300 tỉ đồng mỗi năm liên quan nhóm thủ tục khám bệnh chữa bệnh. Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá các tác động của TTHC, công bố công khai TTHC được ban hành, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện tại địa phương…

Cũng theo ông Quang, theo thống kê trong toàn ngành y tế có 11 lĩnh vực thực hiện cải cách TTHC trong đó có các lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm (ATTP), y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, giám định y khoa, tài chính y tế….

Đáng chú ý là sự phân cấp trong thực hiện cải cách TTHC được phân cấp rõ ràng cho địa phương quản lý, chẳng hạn lĩnh vực Giám định y khoa có 61 thủ tục thì Bộ chỉ quản lý 1; còn lại giao cho địa phương quản lý; lĩnh vực khám chữa bệnh có 87/149 TTHC giao cho địa phương quản lý....

Các doanh nghiệp ở xa không cần đến làm các TTHC trực tiếp mà có thể làm online

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, trong lĩnh vực ATTP, 5 nhóm TTHC đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế bãi bỏ gồm: (1) Điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016. (2) Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm. (3) Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. (4) Quảng cáo thực phẩm. (5) Xác nhận kiến thức về ATTP.

Cụ thể, sẽ bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện với cơ sở kinh doanh thực phẩm; bãi bỏ 8 điều kiện với cơ sở sản xuất kinh doanh (SX - KD) TPCN và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bãi bỏ  điều kiện đối với cơ sở SX-KD phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bãi bỏ 9 điều kiện đối với SX-KD nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. So với Nghị định số 38/2012, dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với sản phẩm nhập khẩu; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu; Kế hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm; Mẫu sản phẩm...

"Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định giao Sở Y tế quản lý ATTP đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn. Tuy nhiên dự thảo sửa đổi Nghị định 38 đã thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu"- bà Nga cho biết.

Sau một thời gian triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, bà Nga cho biết đã mang lại hiệu quả tốt. Theo đó, các doanh nghiệp không cần đến làm các TTHC trực tiếp mà có thể làm từ xa, online; thành phần hồ sơ công khai minh bạch; và chỉ được hệ thống đưa vào xử lý khi đủ thành phần hồ sơ; tích hợp thanh toán phí, lệ phí online… giúp tiết kiệm chi phí in ấn giấy tờ doanh nghiệp. Với cơ quan quản lý, hệ thống chỉ rõ thời gian cần xử lý các TTHC, TTHC nào còn tồn đọng, quá hạn, thống kê hồ sơ dễ dàng hơn, việc lưu trữ hồ sơ giấy được giải quyết tối đa.

Nguồn Bộ Y tế

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.