Điều trị suy chức năng tuyến giáp
Suy chức năng tuyến giáp
Suy giáp là hội chứng đặc trưng bằng tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp, sản xuất hormon tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể, gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hóa trên lâm sàng và xét nghiệm. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, chiếm tỉ lệ 2%; trong khi ở nam giới chỉ có 0,1%. Suy giáp cận lâm sàng gặp ở 7,5% phụ nữ và 3% ở nam giới, tăng dần theo tuổi. Suy giáp bẩm sinh gặp ở 1/5000 trẻ sơ sinh.
Điều trị
- Mọi trường hợp suy giáp phải điều trị, trừ các trường hợp nhẹ mới có biến đổi về xét nghiệm ở những bệnh nhân có nguy cơ mạch vành.
- Điều trị bằng hormon thay thế đường uống, vĩnh viễn.
- Thuốc L-Thyroxine (L-T4) là lựa chọn đầu tiên để điều trị suy giáp; hấp thu 60-80%,thời gian bán huỷ dài, khoảng 7 ngày. Đóng dạng viên nén, hàm lượng 50μg và 100μg (biệt dược Levothyrox, Thyrax…). Uống 1 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn sáng 30 phút. Không được uống L-T4 cùng lúc với calcium carbonate, viên sắt.
- Cần tiên lượng trước tai biến mạch vành ở các BN có yếu tố nguy cơ.
- Cần loại trừ hoặc điều trị suy thượng thận trước khi điều trị thay thế hormon tuyến giáp.
Điều trị ở bệnh nhân không có bệnh lý mạch vành
- Có thể điều trị ngoại trú. Mục đích là đạt được nồng độ TSH bình thường
- Liều tấn công ban đầu tương đối cao: L-Thyroxine 1 -2 μg/kg/ngày (trung bình 1,6 μg/kg/ngày). Tăng liều từ từ khoảng 25 -50 μg/mỗi 2-3 tuần, cho tới liều thích hợp (TSH về bình thường), liều thường dùng 75-150 μg/ngày. Rồi duy trì liều ổn định.
- Theo dõi: Cần định lượng TSH 3-6 tuần sau lần chỉnh thuốc lần cuối cùng.
- Được gọi là điều trị có hiệu quả khi:
Lâm sàng: hết các triệu chứng cơ năng như mệt mỏi, sợ lạnh, táo bón…các triệu
chứng thâm nhiễm da, niêm mạc mất đi chậm hơn.
Xét nghiệm: TSH về bình thường.
Điều trị bệnh nhân lớn tuổi/hoặc có nghi ngờ bệnh mạch vành
- Nên điều trị tại bệnh viện.
- Trước khi điều trị hormon thay thế cần kiểm tra và điều trị thiếu máu (nếu có), tăng liều thuốc điều trị đau thắt ngực đang dùng; nếu không có chống chỉ định thì dùng thuốc chẹn beta-giao cảm chọn lọc, chỉnh liều cho phù hợp với chức năng tim.
- Điều trị suy giáp: Nên bắt đầu với L-Thyroxine liều tối thiểu (12,5μg/ngày), tăng liều từ từ 12,5μg/ mỗi 2-3 tuần, thậm chí còn thấp hơn.
- Theo dõi:
o Về tim mạch: triệu chứng đau thắt ngực, điện tim hàng ngày, enzyme tim 2
lần/tuần.
o Công thức máu: nếu có thiếu máu.
o Nếu xuất hiện đau thắt ngực khi tăng liều hormon thay thế cần làm điện tim, định lượng enzyme tim, tăng liều thuốc chống đau thắt ngực và ngừng tăng liều
hormon giáp.
- Mục tiêu điều trị: TSH ở giới hạn cao của bình thường. Nên duy trì liều L-Thyroxine dưới liều điều trị để tránh cơn đau thắt ngực.
Điều trị phụ nữ suy giáp có thai:
Khi có thai thì liều thuốc phải tăng 25÷50% so với lúc chưa có thai. Đặc biệt phải lưu ý ở quý đầu của thai kỳ. Sau khi đẻ sẽ quay về liều như trước khi có thai (xem bài suy giáp và thai kỳ).
Điều trị suy giáp thứ phát
- Nguyên tắc điều trị như ở trên.
- Phải điều trị thay thế hormon tuyến thượng thận trước khi điều trị hormon tuyến giáp (xem thêm bài điều trị suy tuyến yên và suy thượng thận).
Suy giáp cận lâm sàng
- Có triệu chứng lâm sàng của suy giáp,
- Tăng cholesterol máu phải điều trị,
- Bướu cổ
- Có thai
- TSH>10μmol/l.
Phòng bệnh
- Những BN có anti-TPO tăng mà chưa có suy giáp lâm sàng thì phải theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp.
- Những phụ nữ có tiền sử đẻ mất máu nhiều phải được khám và phát hiện sớm Hội chứng Sheehan.
Tiên lượng
- Đa phần bệnh nhân có tiên lượng tốt khi chấp hành đúng và đủ liều điều trị.
- Cần theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân suy giáp cao tuổi có bệnh lý mạch vành trong suốt quá trình điều trị.
Tạp chí Đái tháo đường