Giải tỏa nỗi lo về “vấn nạn” kháng sinh hiện nay

SKNT - Ngành y tế Việt Nam đang gồng mình dốc toàn lực đẩy lùi việc sử dụng kháng sinh trong khám chữa bệnh.Trên thực tế, ước tính tỉ lệ >90% sử dụng kháng sinh không được kê đơn bởi bác sĩ để điều trị các bệnh phổ biến như viêm họng, viêm phế quản, và các bệnh viêm nhiễm cơ bản.

Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc điều tra thì phần lớn kháng sinh được bán mà không cần đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn.

Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng khi xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Việc gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đã tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng là gánh nặng lên cá nhân, gia đình và xã hội. Đáng báo động hơn khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” của WHO và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Trước những nguy cơ này thì các Bộ trưởng đã ngồi lại với nhau và cùng cam kết đa ngành về phòng chống kháng thuốc tại nước ta. Các bên thuộc Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường sẽ cùng hành động để kiểm soát việc kháng thuốc nói chung và kháng kháng sinh nói riêng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Tình trạng các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng được cảnh báo. Dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020. Nhóm sẽ có nhiệm vụ tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Thực trạng kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở ngời lớn mà trẻ nhỏ cũng ở mức đáng báo động. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Vấn đề này đang thực sự gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa nhi bệnh viện bạch mai cho biết: “Nếu còn thói quen dùng thuốc kháng sinh như hiện nay thì chính cuộc sống của chúng ta bị đe dọa. Nếu uống kháng sinh kiểu như hiện nay tự dùng đơn cũ, hoặc kinh nghiệm của bạn bè, hoặc ra hiệu thuốc nhờ dược sỹ phán bệnh tức là chúng ta đang rơi vào cảnh gậy ông đập lưng ông”.

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có phương pháp nào thay thế việc sử dụng kháng sinh hay không? Hiện nay, phương pháp điều trị mới: Công nghệ Plasma lạnh giúp làm giảm tình trạng kháng sinh và đặc biệt hiệu quả trong điều trị các viết thương nhiễm khuẩn mạn tính. So với việc sử dụng kháng sinh vừa kém hiệu quả lại vừa tốn kém về kinh tế công nghệ Plasma lạnh chi phí rẻ hơn 10 lần. Ngoài việc diệt vi khuẩn kháng thuốc thì Plasma lạnh có thể kích thích vết thương tăng sinh tổ chức hạt, tăng tốc độ biểu mô hóa dẫn đến vết loét nhanh liền hơn, giảm thời gian điều trị nên các chi phí trực tiếp cho người bệnh như chi phí thuốc, chi phí nhân công trả cho nhân viên y tế, chi phí người nhà chăm sóc, phục hồi chức năng được giảm xuống một cách đáng kể, bên cạnh đó còn góp phần hạn chế các chi phí khác như trả lại sức lao động, tâm lý tinh thần cho người bệnh.

Ứng dụng công nghệ Plasma điều trị vết thương bàn tay

Theo Thạc sĩ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay hết sức trầm trọng, hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, có nhiều vi khuẩn hiện nay đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Có những chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gen và kháng với tất cả các loại kháng sinh. Trong bối cảnh vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn đang là thách thức đối với ngành y tế nước ta và nhiều nước trên thế giới, theo các chuyên gia, một chiến lược quản lý kháng sinh chặt chẽ là hết sức cần thiết. Cần có một sự thay đổi không nhỏ về nhận thức và cách sử dụng kháng sinh ở người dân lẫn nhân viên y tế. Chính vì thế, việc ứng dụng thành công công nghệ Plasma lạnh trong điều trị vết loét nhiễm khuẩn mạn tính sẽ góp phần làm giảm nguy cơ kháng thuốc, nâng cao sức khỏe đề kháng cho cộng đồng.

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc dẫn đến kháng thuốc là làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Đặc biệt, nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Thiên Lý (T/H)

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.