Giáo dục chăm sóc bàn chân đái tháo đường đầy đủ toàn diện

Biến chứng bàn chân đái tháo đường gây ra nhiều tổn thương đa dạng. Tổn thương bàn chân gây ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

GIÁO DỤC CHĂM SÓC BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Người bệnh đái tháo đường cần được giáo dục về cách tự chăm sóc bàn chân, bảo vệ bàn chân tránh bị tổn thương, vệ sinh chân thường xuyên và cách sử dụng dày dép phù hợp.

Người bệnh cần được giáo dục để phòng tránh các nguyên nhân gây loét có thể dự phòng được. Bệnh nhân cần được giáo dục tránh đi chân trần, tự khám chân và kẽ  ngón chân hàng ngày, thay đổi giày dép ít nhất 2 lần mỗi ngày và tránh những chấn thương tiềm ẩn do rửa chân bằng nước nóng hoặc chườm nóng.

Tất cả các lần thăm khám, người bệnh cần phải được tư vấn về chăm sóc bàn chân. Những nội dung kiến thức cần được trang bị là:

Chăm sóc chân thường xuyên

  • Tự khám chân hàng ngày

Tự kiểm tra chân, tìm các dấu hiệu như bàn chân xung huyết đỏ, sung nề, bị vết đứt, trày xước, nứt kẽ da, vết thâm tím, vết phồng rộp hoặc nóng. Nếu có các tổn thương trên thì phải đến gặp bác sỹ ngay.

  • Rửa chân hàng ngày.

Dùng nước sạch (không dùng nước ấm, không dùng nước nóng) và xà phòng nhẹ, sữa tắm để rửa, loại bỏ da chết; sau đó chỉ thấm khô chân, nhất là kẽ ngón chân, không được chà xát bằng khăn thô ráp, không được ngâm chân nước ấm.

  • Kem dưỡng da

Thoa hàng ngày lên mu chân, lòng bàn chân và không thoa vào kẽ ngón chân và móng chân. Không dùng kem có hóa chất đặc biệt các kem có chứa Salicylic. Thành phần của kem chủ yếu là nước và chất dưỡng. Nên dùng kem dưỡng da dành cho trẻ em.

  • Móng chân

Với những móng chân bị dày sừng và biến dạng, phải được nhân viên y tế cắt móng chân cho bệnh nhân, dùng bấm móng cắt thẳng góc các móng và giũa nhẹ các cạnh.

  • Các vết chai và sẹo.

Không tự cắt các vết chai và sẹo khi không có nhân viên y tế. Điều trị vết chai và sẹo phải do nhân viên y tế đảm nhận.

  Tất đi chân

  • Chọn loại tất vừa chân bằng sợi cotton, không nên đi tất mỏng
  • Không đi loại tất ống chật vì sẽ cản trở tuần hoàn
  • Nên đi tất nếu thấy bàn chân lạnh

  Giày dép

  • Thay đổi giày dép thường xuyên để giảm áp lực lên các vùng của bàn chân, nên thay đổi giày sáng, chiều.
  • Với giày dép mới nên đi dần cho quen
  • Nên chọn mua giày dép vào buổi chiều

  Nên đi giày dép vừa chân

Giày dép phải hợp với hình dáng bàn chân

Giày dép phải rộng vừa đủ với chân

Tránh đi giày gót nhọn hoặc cao gót có độ dốc trên 2,5cm

Nên đi loại giày thể thao hàng ngày

Chọn loại giày có chất liệu da mềm và vừa chân

Giày dép phải dài hơn ngón chân dài nhất khoảng 1- 1,2cm

Nếu bàn chân có biến dạng thì giày dép phải vừa theo sự biến dạng đó

Giày dép phải được đệm ở vùng tiếp xúc với trọng lực

Giày dép nên được làm riêng với từng người

  • Nếu có bệnh lý thần kinh , nên chọn giày với sự tư vấn của chuyên gia bàn chân
  • Không bao giờ đi chân trần kể cả trong nhà

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC- Mỹ) đã chứng minh 65- 80% bệnh lý bàn chân có thể được dự phòng bằng cách chọn giày dép đi chân phù hợp

  Ngừng hút thuốc lá:

Nếu bệnh nhân có hút thuốc lá nhân viên y tế phải khuyên bênh nhân bỏ thuốc để bảo vệ tuần hoàn.

BS Phạm Tiến Đạt

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.