Hà Nội "vươn lên" đứng đầu số ca mắc SXH

SKNT - Dồn lực, chi tiền mạnh cho công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng số ca mắc SXH tại Hà Nội không giảm và vẫn tiếp tục tăng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc SXH, có 26 trường hợp đã tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là hơn 84.000 ca bệnh. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 47,9%, số ca tử vong tăng 9 trường hợp.

Tại miền Bắc, Hà Nội có số ca mắc SXH cao nhất với hơn 19.000 ca bệnh, đứng thứ 2 là TP.HCM với số người mắc gần 19.000 người...

Riêng tại Hà Nội, bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành và huyện Thanh Trì (chiếm 80% số bệnh nhân). Số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, hiện vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất (khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất thì khóa trái cửa coi như đi vắng hoặc chỉ cho phun ở sân hay tại tầng 1, không phun cả nhà...).

Ngoài ra, theo đánh giá của đoàn công tác của Bộ Y tế việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%. Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 2 cán bộ phun và 1 cán bộ kỹ thuật).

Dự báo, bệnh SXH còn tăng cao trong thời gian tới khi đỉnh dịch được dự báo rơi vào tháng 9 và 11. Nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH, số ca mắc sẽ còn tăng.

Nguồn Laodong.vn

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.