Hoa sữa ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Theo Đông y, vỏ cây sữa vị đắng, tính lạnh, có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, binh suyễn, chỉ khát, triệt ngược (sốt rét muỗi truyền) phát hãn, kiện vị.
Mùi hoa sữa đang khiến dân Hà Nội lao đao
Hoa sữa thuộc họ Aponyaceae có tên khoa học là Alstonia, có nhiều ở Châu Á Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Australia… Tại Việt Nam, hoa sữa ngày càng được trông nhiều và trở thành nét đặc trưng của Hà Nội. Hoa sữa còn được gọi với tên gọi khác như mùa cua, mồng cua…
Không chỉ mang vẻ đẹp lãng mạn và mùi hương quyến rũ, hoa sữa là một trong những loại thảo dược giúp con người vượt qua nhiều bệnh tật. Vỏ cây hoa sữa có thể điều trị một số bệnh như kháng khuẩn, điều trị sốt rét, điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội đông y Hà Nội: Cây hoa sữa không có độc tính, phát triển nhanh, thân nhựa, trồng khoảng 5 năm ra hoa. Mùa ra hoa nở rộ nhất từ tháng 9 và kéo dài cho đến tháng 11 dương lịch hàng năm.
Nếu trồng ít và thưa thì hoa sữa phát ra mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu. Tuy nhiên, nếu trồng mật độ dày tại một khu vực, hoa và quả của cây có nhiều lông, mùi đậm đặc sẽ phát tán trong không khí dẫn đến làm giảm lượng oxy, rất dễ gây dị ứng đối với những người có cơ địa dị ứng.
Đối với những người bị bệnh như viêm phế quản, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm mũi theo mùa nếu hít mùi hoa sữa nhiều thì bệnh sẽ nặng hơn, nhưng người bình thường thì không ảnh hưởng.
Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, loại hoa này có thể gây dị ứng với một số người. Phấn hoa có thể gây tình trạng khó chịu và khởi phát cơn hen ở những người dị ứng với phấn hoa.
Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.
Theo laodong.vn