Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là một tình trạng rối loạn hormone gây ảnh hưởng đến hàng triệu phụ nữ. Một tên gọi khác của bệnh là hội chứng Stein-Leventhal. Nguyên nhân chính xác của hội chứng buồng trứng đa nang chưa được biết rõ. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể vô sinh, nguy cơ cao mắc đái tháo đường.
Một số dấu hiệu của Hội chứng buồng trứng đa nangPCOS là gì?
PCOS - Hội chứng buồng trứng đa nang là rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đó là tình trạng có nhiều nang nhỏ nằm dọc theo các cạnh bên ngoài của mỗi buồng trứng (đa nang xuất hiện); có hoặc không kèm theo các rối loạn về nội tiết – sinh sản. Các triệu chứng thường gặp: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc thất thường; lông mọc quá dài; mụn trứng cá và thừa cân-béo phì có thể xảy ra ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Nguyên nhân chính xác của hội chứng buồng trứng đa nang chưa được biết rõ. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể có rắc rối khi mang thai do rụng trứng bất thường. Chẩn đoán sớm và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài, như bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh tim và đột quỵ.
Cả nam và nữ đều có một lượng hormone nam và nữ nhất định. Với phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang PCOS, số lượng hormone nam nhiều hơn bình thường dẫn đến rối loạn chức năng của hai buồng trứng. Bệnh nhân hay có nguy cơ kinh nguyệt không đều, mất kinh, và hình thành rất nhiều nang trong buồng trứng (hình xâu chuỗi hạt trai). PCOS cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây vô sinh.
Lưu ý: PCOS - không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị được.
Triệu chứng của PCOS
Người có PCOS thường có khuynh hướng tăng cân, đặc biệt là tăng vòng eo và rất khó khăn để giảm. Các đặc điểm khác là tóc mỏng, lông rậm, nổi mụn, xuất hiện mảng nám da. Cũng có thể có triệu chứng đau vùng chậu và trầm cảm.
10 dấu hiệu của Hội trứng buồng trứng đa nang
Nguyên nhân của bệnh
Người ta chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến PCOS, tuy nhiên các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nồng độ Insulin cao là nguyên nhân chính gây bệnh. Phụ nữ quá cân hoặc có khuynh hướng tăng cân thì có nguy cơ cao hơn.
Bệnh có yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái có PCOS, thì có nhiều khả năng bị hơn. Trung bình tuổi phát hiện PCOS là 20-30 tuổi. Sớm hơn có thể gặp PCOS ở các bé gái 11 tuổi chưa có kinh.
Chẩn đoán PCOS
Triệu chứng của PCOS có thể thấy trong khoảng 5 triệu phụ nữ (Mỹ). Để chẩn đoán PCOS, bệnh nhân phải có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:
- Kinh nguyệt không đều và thất thường.
- Nồng độ của hormone đặc thù cao.
- Có hơn 12 nang trong mỗi buồng trứng.
Khi nghi ngờ mắc PCOS hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay. Bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi về tiền sử gia đình, khám lâm sàng và cho làm xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh lý về tuyến giáp.
Hình ảnh siêu âm buồng trứng PCOS
Điều trị PCOS
Điều trị PCOS phải có sự phối hợp giữa bác sĩ sản-phụ khoa và bác sĩ nội tiết-đái tháo đường. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn để làm giảm triệu chứng, giúp điều hòa kinh nguyệt và hormone; làm giảm tình trạng kháng insulin bằng các thuốc điều trị đái tháo đường hoặc tư vấn dùng kem y khoa và laser liệu pháp để giảm tình trạng lông.
Một trường hợp PCOS
Các điều trị tự nhiên
Giảm cân bằng các biện pháp tự nhiên là một trong cách tốt nhất mà người có PCOS có thể thực hiện được: giúp chu kỳ kinh nguyệt bình thường, giảm mọc lông và phòng trầm cảm. Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng; chế độ ăn kiêng giống trong bệnh đái tháo đường. Tập thể dục thường xuyên để giúp tim hoạt động tốt, tăng sức cơ, giúp kiểm soát cân nặng, stress và cảm xúc. Nếu có hút thuốc lá thì nên bỏ.
Điều trị vô sinh
Phụ nữ có PCOS, nếu giảm được trên 5% cân nặng thì có khả năng có thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều đặn hơn. Thuốc điều trị vô sinh gây ra do PCOS như clomiphene sẽ kích thích rụng trứng trưởng thành. Ngoài ra bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc khác có tác dụng tương tự hoặc áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm.
Làm gì khi mang thai
Trong thời gian mang thai phải sàng lọc đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, theo dõi khả năng sinh sớm; cần sàng lọc sau sinh. Nghiên cứu gần đây cho rằng các thuốc điều trị đái tháo đường sẽ ngăn chặn được các bệnh lý liên quan đến thai kỳ.
Phụ nữ béo bụng cần phải sàng lọc PCOS và sàng lọc kháng insulin
Các nguy cơ khác của PCOS
Khi có PCOS phải thường xuyên để kiểm tra sức khỏe vì có nhiều nguy cơ bị:
- Mỡ máu cao, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim;
- Kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường týp 2;
- Béo phì;
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
- Rối loạn tâm thần: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực;
- Ung thư nội mạc tử cung nhất ở tuổi trung niên.
Ths.Bs Đỗ Đình Tùng