Làm thế nào để xăm mình an toàn?

SKNT - Trong những năm gần đây, xăm trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến hơn ở giới trẻ. Theo trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ, cứ 10 người sinh sau năm 1980 thì sẽ có 4 người có ít nhất một hình xăm.

Xăm mình là việc tạo ra các hình vẽ bằng cách dùng một đầu kim, đưa mực vào lớp hạ bì của da. Việc này sẽ làm thay đổi sắc tố da và có thể được dùng để tạo ra những hình ảnh mà bạn mong muốn.

Xỏ khuyên lại là một hình thức khác. Tai, mũi, lông mày, lưỡi, môi, rốn, núm vú, cơ quan sinh dục và các cơ quan khác của cơ thể đều có thể xỏ khuyên được. Các thủ thuật khác, làm thay đổi cơ thể nghiêm trọng hơn bao gồm dùng đồ trang sức để làm căng dái tai, cấy hạt vào da, xỏ khuyên vào các sụn ….

Có khoảng hơn 50 loại màu dùng trong xăm mình nhưng vẫn chưa được kiểm chứng nguy cơ lâu dài

Các nguy cơ về sức khỏe

Có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe liên quan đến xăm và xỏ khuyên, bao gồm:

  • Nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm HIV, viêm gan b, viêm gan C, nhiễm tụ cầu và nhiễm lao.
  • Đau, ngứa, sưng, căng tức, đỏ hoặc tổn thương các mô ở vị trí xăm hoặc xỏ khuyên.
  • Hình thành các sẹo lồi, sẹo phát triển quá mức (còn gọi là keloid)
  • Phát triển các nốt của các mô bị viêm, gọi là u hạt viêm
  • Khó khăn hơn khi tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) vì một số loại mực để xăm hoặc một số loại khuyên thường chứa kim loại.

Không chỉ có thế, các ảnh hưởng lâu dài của mực và màu xăm hiện nay vẫn chưa ai biết rõ. Cho đến tận gần đây, chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào kiểm tra được tính an toàn của mực dùng để xăm.

Có khoảng hơn 50 loại màu dùng trong xăm mình được dùng để xăm thẩm mỹ, nhưng nguy cơ của việc tiêm các loại màu này vào dưới da hiện vẫn chưa rõ. Đến nay, FDA chỉ công nhận một số loại sắc tố an toàn khi sử dụng bên ngoài, chứ không phải là tiêm dưới da. Hay nói cách khác, là chưa có một loại màu sắc nào được chính thức công nhận là an toàn khi tiêm dưới da cả.

Trong năm 2003 và 2004, có khoảng hơn 150 phản ứng tiêu cực liên quan đến mực xăm, như dị ứng, viêm da liên quan đến tiếp xúc với ánh nắng mặt trời… (chỉ tính các trường hợp báo cáo lại cho FDA). Hiện nay, FDA đang bắt tay vào việc điều tra về mức độ an toàn của những loại mực để xăm mình này.

Xỏ khuyên cũng đang được giới trẻ sử dụng, như khuyên tai, mũi

Chú ý khi xăm mình

Có thể làm giảm các nguy cơ khi xăm mình hoặc xỏ khuyên bằng các cách dưới đây:

  • Xăm hoặc xỏ khuyên tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn về sức khỏe.
  • Không sử dụng lại kim tiêm. Bạn nên yêu cầu thợ xăm hoặc thợ xỏ khuyên cho xem bộ dụng cụ của họ.
  • Găng tay chỉ được sử dụng một lần, và tay của thợ xăm phải được rửa trước và sau khi tiến hành xăm hoặc xỏ khuyên.
  • Các dụng cụ cũng như các bề mặt như ghế, tại các địa điểm xăm mình nên được làm sạch và khử trùng với mỗi khách hàng. Quan sát và hỏi về việc tiến hành các quy trình này và đi nơi khác nếu người thợ miễn cưỡng thảo luận về chủ đề này với bạn hoặc nếu bạn cảm thấy địa điểm đó thiếu vệ sinh.
  • Vùng da được xăm hoặc xỏ khuyên phải được khử trùng bằng cồn.
  • Hình xăm tươi nên được che bởi gạc hoặc băng sạch. Tuân thủ theo hướng dẫn của thợ xăm để chăm sóc cho hình xăm mới hoặc vùng da mới được xỏ khuyên.
  • Súng để xỏ khuyên chỉ được sử dụng ở dái tai. Còn ở các bộ phận khác trên ở thể, nên sử dụng một loại kim tiêm có lỗ.

Xóa hình xăm

Hình xăm có thể được xóa nhưng không phải lúc nào cũng xóa được hoàn toàn hoặc đem lại kết quả tốt. Quá trình xóa hình xăm thường rất tốn kém và yêu cầu phải thực hiện nhiều lần. Xóa hình xăm cũng rất dễ để lại sẹo.

Vùng da sau khi xỏ khuyên có thể trở về như ban đầu bằng cách loại bỏ các loại trang sức (khuyên) và để vết xỏ tự lành. Nhưng nếu xỏ khuyên vào sụn, sụn đã bị thủng, hoặc dái tái đã bị kéo dài hay bất kỳ sự thay đổi nào khác trên cơ thể có thể sẽ cần phải điều trị ngoại trú. FDA khuyến cáo, nếu muốn xóa hình xăm, nên tiến hành phẫu thuật laser được thực hiện bởi bác sỹ da liễu. Nếu bạn đang nghĩ đến việc xóa hình xăm của mình, hãy hỏi ý kiến bác sỹ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh


 

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.