Menu
×

Bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn của cộng đồng

Ngày đăng: 22/06/2017 In bài viết này

SKNT - Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới ước tính cho tới nay, đã có hơn 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Năm 2040, con số này có thể tăng lên đến 642 triệu, 80% những người bị bệnh ĐTĐ sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, số người mắc khoảng xấp xỉ 6% dân số, người ở thành thị có tỉ lệ người mắc cao hơn người sống vùng nông thôn.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới ước tính cho tới nay, đã có hơn 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Năm 2040, con số này có thể tăng lên đến 642 triệu, 80% những người bị bệnh ĐTĐ sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, số người mắc khoảng xấp xỉ 6% dân số, người ở thành thị có tỉ lệ người mắc cao hơn người sống vùng nông thôn.

Qua điều tra của Dự án phòng chống bệnh ĐTĐ thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận năm 2012 ở 30 xã phường với tổng số 1.920 người, có 108 số người mắc, chiếm 5,63%; số người ở dạng tiền ĐTĐ là 176 (có rối loạn chuyển hóa đường hoặc hấp thu đường) chiếm tỉ lệ 9,17%,). Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ vì số người mắc bệnh mà không biết chiếm tới 65%. Qua phỏng vấn số người biết về bệnh ĐTĐ là 41%, số người không biết về bệnh ĐTĐ là 59%, hiểu biết về yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ chỉ 21,5% và không hiểu biết về yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ chiếm 58,44%. Nhằm khảo sát kiến thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ chúng tôi tiến hành phỏng vấn một số người dân:

Bà Nguyễn Thị Thái (Nghệ An) có chồng bị mắc bệnh ĐTĐ nhiều năm nay:

Chào bác, bác đã từng nghe nói đến bệnh ĐTĐ (hay còn gọi là tiểu đường) chưa?

Tôi cũng được biết đến bệnh ĐTĐ khoảng mấy năm nay rồi, từ khi chồng tôi được bác sỹ kết luận là mắc bệnh thì cũng có tìm hiểu về bệnh này.

Bác nhà phát hiện ra bệnh ĐTĐ từ bao giờ và gia đình đã điều trị bệnh theo phương pháp như thế nào, thưa bác?

Ông nhà tôi phát hiện bệnh cách đây 5 năm trong một lần đi khám sức khỏe vì trong người có biểu hiện bất thường, ăn nhiều hơn nhưng lại rất nhanh đói, ăn đồ ngọt nhiều nhưng không cảm giác ngọt và nước tiểu có kiến bu nhiều. Thấy lạ nên gia đình có đưa đi khám ở bệnh viện thì bác sỹ kết luận là mắc bệnh ĐTĐ từ lúc đó. Ở quê cũng không có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nên khi phát hiện bệnh này gia đình rất lo bởi cũng chưa có hiểu biết gì về căn bệnh này. Sau khi biết thì bác sỹ căn dặn là phải ăn kiêng các đồ ngọt, bia rượu, ăn ít tinh bột đi và bổ sung nhiều rau xanh kết hợp với tiêm    insulin và tập thể dục hằng ngày.

Chế độ ăn uống của bác nhà hiện nay như thế nào và việc kiêng khem được thực hiện có đúng với yêu cầu của bác sỹ không ạ?

Nông dân mà lao động tay chân suốt nên vấn đề kiêng ăn uống giai đoạn đầu rất khó thực hiện. Bình thường ăn hai đến ba bát cơm giờ phải giảm lượng tinh bột một cách đáng kể nên chồng bác phải "đấu tranh tư tưởng ghê lắm", duy trì ở mức một bát cơm và ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm ít chất béo và tuyệt đối không uống bia rượu nữa. Hằng ngày cũng đi bộ theo yêu cầu của bác sỹ, tập các động tác vẫy tay vào mỗi buổi sáng. Không những thế bác còn làm "bác sỹ" tại gia để tiêm cho chồng nữa đấy: "Cũng làm theo chỉ dẫn của các bác sỹ thôi nên làm lâu cũng thành quen, chỉ mong chồng bác khỏi được bệnh là mừng rồi".

Đối với bệnh nhân bị ĐTĐ ngoài việc sử sụng thuốc thì một yếu tố quan trọng không kém là ý chí của người bệnh và sự động viên của người thân, bác nghĩ điều này có đúng không?

Điều đó rất đúng bởi vì dù cho sử dụng thuốc có tốt như thế nào mà bệnh nhân không tự ý thức được những điều mình làm thì nguy hiểm khôn lường. Việc kiêng ăn món này, món kia không phải là dễ dàng, bên cạnh đó cần phải có thêm sự động viên, quan tâm, khích lệ của những người thân trong gia đình thì người bệnh mới mau chóng bình phục. Bác có người nhà mắc nên vấn đề này bác khẳng định là ý chí của người bệnh cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ĐTĐ.

Cảm ơn bác đã có những chia sẻ bổ ích, chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe.

Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục nghe những chia sẻ của bạn Phạm Công Hiếu (Sinh năm 1997, hiện là sinh viên) về hiểu biết đối với bệnh ĐTĐ:

Chào bạn, Bạn đã từng nghe đến bệnh ĐTĐ chưa? và hiểu biết của bạn về căn bệnh này như thế nào?

Em cũng có nghe qua mọi người từng nói về căn bệnh này, và nhiều bài báo trên mạng cũng có đề cập đến; em nghĩ theo một cách thông thường là lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép, người bệnh hay bị đi tiểu nhiều, có biểu hiện sụt cân trong thời gian ngắn, chỉ gọi là biết thôi chứ em cũng chưa tìm hiểu sâu về căn bệnh này. Bệnh không thể chữa khỏi hẳn chính vì thế nên phải có chế độ ăn uống phù hợp bởi lượng đường chênh lệch sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với những người trẻ thì việc quan tâm tới sức khỏe là không được chú trọng lắm, có khoảng 64% người Việt Nam mắc bệnh ĐTĐ nhưng không hề biết mình bị bệnh, theo bạn có đang lo ngại không?

Điều đó quả thực là đáng lo ngại đấy ạ. Giới trẻ hiện nay thường không quan tâm tới vấn đề sức khỏe. Em thực sự không nghĩ căn bệnh này lại chiếm một tỉ lệ cao như vậy. Ngay cả cá nhân em hay bạn bè đồng trang lứa đều không ai có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ cho mình hằng năm, tư tưởng các bạn trẻ bây giờ dường như không cho việc đó là quan trọng. Tuy nhiên, bây giờ thì chắc em cũng phải suy nghĩ lại về điều này để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân mình ngày một tốt hơn. Bệnh khó phát hiện nên thường xuyên phải đi kiểm tra định kỳ.

Bạn có biết những người xung quanh mình đã có ai mắc bệnh này và cuộc sống của họ hiện tại ra sao?

Có ạ. Trước đây bà nội em cũng là một trong những người mắc bệnh này. Nếu duy trì đúng chỉ dẫn của thầy thuốc kết hợp với chế độ ăn uống nữa thì sức khỏe vẫn rất tốt. Bệnh ảnh hưởng đến thính giác nên chức năng nghe của bà cũng bị suy giảm, phải đeo máy trợ thính. Bên cạnh đó bà còn bị nhiều bệnh khác nữa nên việc chữa trị cũng khó khăn hơn ạ.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của độc giả, mong rằng những ý kiến trên sẽ giúp cho người dân có cái nhìn sâu hơn về bệnh ĐTĐ để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình ngày một lành mạnh, hạnh phúc hơn.

Thiên Lý (thực hiện)