LHQ công bố Bản đồ toàn cầu về carbon hữu cơ trong đất

SKNT - Nhân ngày Đất đai Thế giới (5/12), Liên hợp quốc (LHQ) đã cho ra mắt Bản đồ toàn cầu về carbon hữu cơ trong đất, qua đó nhằm kêu gọi thế giới "nâng niu mặt đất mà con người đang đi lên".

Bản đồ toàn cầu carbon hữu cơ trong đất được coi là công cụ toàn diện nhất hiện nay, trong đó mô tả lượng carbon hữu cơ ở độ sâu 30cm đầu tiên dưới bề mặt đất, đồng thời chỉ ra những khu vực có lượng carbon hữu cơ dồi dào.

Theo tính toán, có khoảng 680 tỷ tấn carbon ở độ sâu này. Bản đồ toàn cầu sẽ đưa ra thông tin chỉ dẫn giúp nhà chức trách có biện pháp bảo vệ và tăng lượng carbon dự trữ trong đất, qua đó góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

                           FAO nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. (Nguồn: Natural Society)

Phó Tổng thư ký Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO), bà Maria Helena Semedo, nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, cho rằng đây là nguồn nuôi dưỡng thực phẩm, là hệ thống dự trữ lượng carbon lớn, đóng góp quan trọng đối với nền nông nghiệp bền vững và giúp giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Semedo cho rằng việc duy trì chức năng của đất và hệ thống sinh thái nhằm hỗ trợ sản xuất lương thực, tăng cường sức chịu đựng trước biển đổi khí hậu, đòi hỏi nhà chức trách có biện pháp quản lý đất bền vững. Theo bà, lượng carbon có nhiều nhất trong đất, và việc nâng cao tầm quan trọng của carbon sẽ góp phần giảm thiểu lượng khí CO2 thải ra khí quyển.

Các nghiên cứu cho thấy 25% lượng đất trên thế giới đã bị suy thoái khiến lượng lớn carbon thải ra khí quyển. Chính vì vậy, khôi phục lại lượng đất đã mất này sẽ giúp lọc gần 63 tấn khí carbon ra khỏi không khí.

LHQ đã lấy ngày 5/12 hàng năm là Ngày Đất đai Thế giới nhằm nâng cao ý thức bảo vệ đất cũng như kêu gọi sự quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất. Tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 23 (COP 23) diễn ra tại Born, Đức vừa qua, đại diện các nước tham dự cũng đã nhất trí công nhận sự cần thiết trong việc cải thiện lượng carbon trong đất, chất lượng cũng như độ phì nhiêu của đất.

                                                                                                                                                                        Diệp Linh( Theo Thế giới & Việt nam)

 

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.