Lo ngại bùng phát dịch tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch
Theo cáo cáo mới đây của Sở Y tế TP Hà Nội, tuần từ ngày 25/9 - 1/10, thành phố Hà Nội ghi nhận 80 trường hợp mắc tay chân miệng. Tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay toàn TP có 450 ca mắc bệnh. Mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tháng 9 đến tháng 12 thường là thời điểm mà Hà Nội phải đối mặt với bệnh tay chân miệng.
Trước nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.
Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng. Ảnh minh họa
Trong khi đó, trên cả nước đã ghi nhận hơn 63.000 ca mắc tay chân miệng và gần 30 nghìn ca phải nhập viện, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống do cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.
Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Nguồn PL+