Mùa lạnh phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ

SKĐS - Những ngày qua, nhiệt độ ở miền Bắc giảm mạnh đã khiến cho nhiều trẻ phải đến bệnh viện khám do viêm đường hô hấp, viêm phổi…

Trong đó, nhiều ca viêm phổi nặng phải nhập viện vì thời tiết lạnh kéo dài, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ trở bệnh. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần biết cách phòng bệnh và tuyệt đối không tự làm bác sĩ cho con. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nên đưa tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Một số bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ

Viêm xoang cấp: Đối với trẻ nhỏ thì các yếu tố bên ngoài như virut, vi khuẩn... tác động tới cơ thể chính là những yếu tố có thể tác động tới hệ thống hô hấp của trẻ đặc biệt chính là viêm xoang mũi cấp tính, biểu hiện dễ phát hiện của bệnh này ở trẻ chính là trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi thường chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều, nếu đã biết nói, trẻ có thể kêu nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.

Thường xuyên chải răng, súc miệng nước muối để phòng bệnh viêm đường hô hấp.

Ho, viêm mũi họng do virut: Đối với trẻ mà bị bệnh do virut gây nên thì sau khi tiếp xúc với virut gây bệnh 1-2 ngày, trẻ bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Ho xuất hiện sau 4-5 ngày do họng bị kích thích. Trẻ nhỏ có thể bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh sẽ khỏi trong khoảng 5-7 ngày. Nên phát hiện và đưa trẻ đi bệnh viện sớm tránh việc có thể gây nên những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Viêm thanh thiệt cấp: Nhóm tuổi mắc bệnh thường trong khoảng 2 - 6 tuổi, chủ yếu ở lứa tuổi lên ba. Bệnh đặc trưng là sốt cao, nuốt đau, họng ứ đọng nhiều nước bọt, nổi hạch hai bên cổ, thay đổi giọng nói, mất tiếng, ho khan hoặc ho đàm, khó thở, tư thế ngồi nghiêng về phía trước, thở rít… Bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng, trẻ có khả năng tử vong do suy hô hấp, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Viêm amidan: Đối với trẻ em khi thời tiết thay đổi thất thường hay các yếu tố tác động bên ngoài vào thì trẻ rất dễ bị mắc viêm amidan. Biểu hiện của bệnh chính là những cơn sốt tái đi tái lại, đau họng, sưng amidan, thấy xuất hiện nhiều mủ trắng nằm trong amidan. Bệnh này không khó phát hiện nếu như các bậc phụ huynh để ý tới các biểu hiện của trẻ.

Viêm phổi: Xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn nhất là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đờm nhớt ở đường hô hấp, một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ, bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Phòng bệnh trong mùa lạnh

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong thời tiết lạnh hiện nay, quan trọng nhất là cha mẹ phải tìm cách giữ ấm cơ thể và bổ sung hợp lý các loại dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Với trẻ nhỏ, cần giữ ấm cơ thể và phải có việc cần thiết mới cho trẻ ra khỏi nhà.

Với trẻ đi học, buổi sáng buốt, sương lạnh phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Nhiều bố mẹ chủ quan, mặc ấm cho trẻ nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu, trẻ cũng có thể nhiễm lạnh và mắc bệnh. Tắm cho trẻ trong phòng tắm đóng kín, tránh gió lùa.

Nhà cửa phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá. Nhất là buổi sáng ngủ dậy, nhiều người vẫn chủ quan rót nước trong bình cho trẻ uống, trong khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp, nước không kém gì nước để trong tủ lạnh, khiến trẻ dễ có nguy cơ viêm họng.

Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: Đ. Tuấn

 

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp, trẻ thường ho, sổ mũi, vì vậy việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng nhưng phải đúng cách. Cần ngâm lọ nước muối trong nước ấm, tan giá, thử giọt lên mu bàn tay thấy hơi âm ấm là có thể nhỏ mũi cho trẻ.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi cho trẻ, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo chủ dẫn của bác sĩ.

Khi thấy trẻ có biểu hiện nặng lên, ở trẻ nhỏ thì bé thể hiện khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế ngay vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc

Theo SKĐS

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.