Phòng chống bệnh xương khớp mùa lạnh cho người cao tuổi

SKNT - Vào mùa lạnh, người cao tuổi rất dễ gặp chứng bệnh về xương khớp, những cơn đau xương khớp tái phát gây khó khăn cho việc đi lại di chuyển, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh nhân xương khớp tăng vọt

Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc - Khoa Khớp (Bệnh viện Bạch Mai), thường có sự gia tăng đột biến các trường hợp bệnh thấp khớp vào giai đoạn chuyển mùa như Thu - Đông và Đông - Xuân, đặc biệt là vào thời tiết lạnh. “Những ngày này, số bệnh nhân đến khám bệnh khớp rất đông, tăng gấp rưỡi những ngày thời tiết bình thường, có khi con số bệnh nhân khám lên tới cả trăm, trong khi trung bình chỉ là 50-60”, PGS.TS Ngọc nói.

Ông giải thích, khi thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến cho các yếu tố gây bệnh như: vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp, các gân cơ thường bị co rút gây nên các chứng vẹo cổ cấp do lạnh, vận động khớp khó khăn khiến bệnh nhân dễ ngã. Thậm chí có thể gây nên gãy xương. Một số bệnh nhân bị gút cũng thường hay bị tái phát các đợt viêm khớp cấp trong thời tiết lạnh do axit uric trong máu bị kết tủa lắng đọng vào khớp gây viêm.

Theo PGS.TS.Bùi Khắc Hậu - Nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khi bị đau nhức khớp, nhất là vào mùa lạnh, người bệnh nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng) và có chỉ định điều trị sớm.

Người cao tuổi không nên chủ quan, xem thường và càng không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình (nếu không am hiểu về chuyên môn y học). Không nên tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt lưu ý là không tự động dùng thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason…) hoặc thuốc không steroid. Lý do là một số thuốc giảm đau, chống viêm có thể có những tác dụng không mong muốn.

Ví dụ, với người cao tuổi có bệnh hen suyễn nếu dùng thuốc không steroide có thể làm cơn hen xuất hiện, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hoặc người đau nhức xương khớp kèm theo viêm loét dạ dày, tá tràng, nếu dùng thuốc cortisone (prednosolon, methylprednosolone, solumedrol…) hoặc aspirin có thể gây chảy máu dạ dày cấp nếu không phát hiện kịp thời và cấp cứu khẩn trương sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi  thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, thoa dầu, bóp dầu.

Phòng bệnh như thế nào?

Bác sĩ Hậu khuyến cáo, dù có bệnh lý khớp từ trước hay không, trong mùa lạnh, người cao tuổi cũng cần giữ ấm cơ thể mình, trong đó đặc biệt lưu ý các khớp, nếu đã bị viêm khớp, thoái hóa khớp xương càng cần giữ ấm cơ thể và các khớp (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).

Để làm tốt điều đó cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất. Khi ra khỏi nhà cần mặc ấm hơn không để cảm lạnh. Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi xảy ra, nhất là khi ngủ dậy ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, thoa dầu, bóp dầu. Làm như vậy để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp. Mùa lạnh cần tắm, rửa bằng nước ấm và tắm rửa trong phòng kín gió. Nhà ở về mà lạnh cần đóng kín cửa ra vào, cửa sổ tránh gió lùa (nhưng cần có cửa thông gió).

Về chế độ dinh dưỡng, lý tưởng nhất là có chế độ hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và trong các bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ các vi chất cần thiết. Hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp. Cần bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ khám bệnh.

Theo Báo Mới

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.