Tại sao bé trai mắc bệnh ung thư nhiều hơn bé gái?
Thế giới có 7,4 triệu bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở nam giới và 6,6 triệu được chẩn đoán ở phụ nữ. Phổi, tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng là những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Trong khi đó, ung thư vú, đại trực tràng và ung thư phổi là ba loại ung thư hàng đầu mà phụ nữ mắc phải. Ở người lớn, hormone giới tính, thói quen ăn uống, việc tiếp xúc với chất gây ung thư, hút thuốc lá và uống rượu… kết hợp lại gây ra tình trạng nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nhiều hơn nữ giới. Thế nhưng, ở trẻ em, số bé trai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cũng nhiều hơn bé gái. Tại sao lại như vậy?
Không có lý gì nhiều bé trai được chẩn đoán bệnh ung thư hơn bé gái. (Nguồn: Reuters)
Nguy cơ tương tự
Tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư nhí đã tăng lên đáng kể ở các nước có thu nhập cao. Hơn 80% số trẻ em bị ung thư sẽ sống thêm được ít nhất 5 năm tại Anh và Mỹ. Thật không may, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp ở nhiều nước đang phát triển.
Bé trai và bé gái có nguy cơ bị ung thư do di truyền là như nhau, trừ yếu tố liên quan đến nhiễm sắc thể giới. Hormone giới tính không góp phần trong việc phát triển bệnh ung thư cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên, có nghĩa là ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt rất hiếm xảy ra ở trẻ em. Trẻ em bị ảnh hưởng nhất bởi bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư não và các khối u phôi như u nguyên bào thần kinh, nguyên bào võng mạc, nguyên bào thận và khối u mô mềm.
Bé trai và bé gái thường có cùng điều kiện sống và cùng ăn những loại thực phẩm giống nhau. Trẻ em lại không tiếp xúc với các chất gây ung thư từ bên ngoài. Thuốc lá hoặc rượu được dùng rất ít hoặc bằng không.
Do các yếu tố gây ra nguy cơ phát triển ung thư tương tự nhau, lẽ ra tỷ lệ mắc bệnh này ở bé trai và bé gái phải ngang bằng. Tuy nhiên, theo Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC), điều này là hoàn toàn sai.
IARC ước tính có khoảng 163.000 trẻ em ở độ tuổi từ 0-14 được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên thế giới mỗi năm. Trong số này, có 94.000 bé trai và 68.000 bé gái. Nghĩa là cứ 4 bé trai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì có 3 bé gái cũng được chuẩn đoán như vậy, tương ứng với tỷ lệ 1,37 trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các khu vực lại khác nhau. Tỷ lệ 1-1 giữa bé trai và bé gái ở các nước có thu nhập cao như Mỹ và Australia. Tại châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latin là dưới 1,3. Tuy nhiên, ở khu vực Nam Á, tỷ lệ này lại cao hơn 1,6.
Phân biệt đối xử
Chưa có lời giải thích rõ ràng cho sự mất cân bằng kể trên. Nhưng chúng ta có thể thấy ở các nước nghèo hơn, tỷ lệ mắc bệnh ung thư giữa bé trai và bé gái có xu hướng mất cân bằng hơn.
Tỷ lệ này cũng tương ứng với mức độ bình đẳng giới. Bảng xếp hạng quốc tế về bình đẳng giới cho thấy ở Bắc Mỹ, Australia và châu Âu, phụ nữ và nam giới bình đẳng hơn ở khu vực Nam Á.
Vì vậy, rất có thể các nước có tỷ lệ chênh lệch lớn là do các bé gái ít có cơ hội được khám bệnh khi bị ốm hơn so với bé trai. Nếu đây thực sự là lý do, nó cần phải được chấp nhận như là một dấu hiệu của sự phân biệt đối xử về giới đối với nữ. Theo Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc được thông qua vào năm 2015, thế giới phải đạt bình đẳng giới vào năm 2030. Đây là một nhiệm vụ rất lớn.
Nếu muốn chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái ở khắp nơi trên thế giới, Liên hợp quốc phải giải quyết được thực tế là cơ hội được chẩn đoán bệnh ung thư ở bé gái không tương tự như ở các bé trai. Cần có các nỗ lực để tăng khả năng tiếp cận của bé gái với các dịch vụ khám sức khỏe. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ chẩn đoán ung thư, đồng thời cho phép các bé gái được cung cấp biện pháp điều trị thích hợp và thu hẹp khoảng cách với các bé trai.
Diệp Linh (Theo Thế giới và Việt Nam)