Tìm hiểu về bệnh điếc ở trẻ

SKNT - Theo số liệu thống kê, thực tế mỗi năm nước ta có khoảng 5.000 trẻ mắc sinh ra bị điếc, trẻ bị điếc (hay còn gọi là khiếm thính) là những trẻ bị mất hoặc suy giảm về sức nghe, kéo theo những hạn chế về phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp. Việc trẻ mắc bệnh khiếm thính thường kéo theo nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ cũng như cho gia đình và xã hội

Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ông là một người nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về căn bệnh này.

Thưa bác sĩ, ông có thể cho biết thực trạng bệnh điếc ở trẻ hiện nay ở nước ta? Đâu là nguyên nhân và hậu quả của căn bệnh này?

Về thực trạng bệnh điếc ở trẻ em hiện nay tôi có thể chia sơ bộ ra thành hai nhóm, vì hai nhóm này có đặc điểm điếc khác nhau, nhóm thứ nhất là nhóm trẻ sơ sinh, nhóm trẻ sơ sinh chiếm khoảng chiếm 3-5 trẻ/ 1000 trẻ được sinh ra. Nguyên nhân thường xảy ra trong quá trình mang thai, hoặc trong quá trình chuyển dạ, đặc điểm của nhóm điếc này bị tương đối mạnh, điếc sâu, cần có khám sàng lọc đánh giá kết quả, đánh giá mức độ điệc để có biện pháp can thiệp trước 6 tháng tuổi. Còn nhóm trẻ thứ 2 là nhóm trẻ mẫu giáo, tức là khi trẻ sinh ra trẻ không bị điếc, nhưng quá trình phát triển trẻ bị mắc bệnh nhiễm trùng ở tai, viêm màng não, chấn thương… tỉ lệ này khá nhiều chiếm khoảng 4,4% , điếc này thường điếc nhẹ, hoặc điếc trung bình, đặc điểm của nhóm này là điếc nhẹ, có thể phẫu thuật hoặc dùng thuốc có thể đỡ được, thường chỉ là điếc dẫn truyền có thể chữa được.

Làm thế nào để nhận ra trẻ mắc bệnh điếc trong cộng đồng xã hội, thưa bác sĩ?

Để phát hiện ra trẻ điếc thì mình đang thực hiện một cách rất tiên tiến, mà các nước có nên y học tiên tiến đang làm hiện nay là đối với trẻ sơ sinh thực hiện khám sàng lọc khiếm thính bằng (OAE) hoặc ABR sàng lọc phương pháp này đã được áp dụng tại bệnh viện Nhi Trung ương và áp dụng cho tại nhiều tỉnh phía Bắc và khoa sơ sinh của viện Nhi cũng tiến hành đo bằng ABR tự động. Đây là biện pháp rất tốt để khám sàng lọc và tôi cũng mong muốn biện pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc để phát hiện ra được những trẻ mắc bệnh điếc và phủ kín ít nhất 95% trẻ sinh ra được khám sàng lọc khiếm thính, nhằm có kế hoạch cho tương lai của trẻ và thấy được tỉ lệ điếc nhiều ảnh hưởng đến xã hội thì Chính phủ sẽ có những giải pháp thích hợp đối với vấn đề này. Còn với trẻ lớn, điếc nhẹ mình có thể phát hiện bằng cách nói chuyện phát hiện bằng cách quan sát và nói chuyện khi thấy trẻ hay phải hỏi lại hoặc kết quả học tập sút kém không rõ nguyên nhân, xem ti vi vollume to hơn bình thường, cần đưa đi khám sàng lọc. Đối với trường mầm non tôi vẫn khám bằng OAE để phát hiện ra trẻ có vấn đề về nghe để tiến hành khám chuyên sâu để đánh giá trẻ điếc ở mức độ nào và nguyên nhân điếc của trẻ là gì từ đó sẽ có biện pháp để can thiệp cho trẻ.

Phát hiện sớm trẻ bị điếc để có phương pháp điều trị kịp thời

Vậy sau khi phát hiện trẻ mắc bệnh điếc, các biện pháp can thiệp nào được đưa vào điều trị cho trẻ?

Khi phát hiện trẻ điếc ngay lập tức phải trả lời hai câu hỏi, thứ nhất điếc này ở mức độ nào, nặng hay nhẹ, thứ hai nguyên nhân gây điếc, vị trí gây điếc ở phần nào của hệ thính giác, ví dụ đối với trẻ điếc sâu, nguyên nhân ở ốc tai, thì ta phải đeo máy trợ thính cho trẻ nếu đeo máy trợ thính không có kết quả thì ta xét đến phải cấy điện tử ốc tai. Đối với điếc nhẹ hoặc điếc dẫn truyền do ảnh hưởng của bộ phận dẫn truyền từ tai ngoài đến tai giữa phải điều trị bệnh ở tai bằng thuốc hoặc phải phẫu thuật những bệnh tai giữa hoặc tai ngoài để cải thiện sức nghe của trẻ .

Trong số các biện pháp đó, biện pháp nào được coi là mang lại hiệu quả tốt nhất, thưa bác sĩ?

Việc sử dụng biện pháp can thiệp phải tùy thuộc vào nguyên nhân, nguyên nhân nào biện pháp đó, bệnh ở tai giữa, bệnh ở tai ngoài thì phải điều trị bằng thuốc, điều trị bằng chăm sóc tai bằng kháng sinh, bằng phẫu thuật tai giữa… Bệnh ở ốc tai phải điều trị bằng máy trợ thính, phải cấy điện tử ốc tai… thậm chí bệnh ở sau ốc tai phải cấy cực thân não.

Cấy ốc tai điện tử được cho là phương pháp duy nhất trả lại sức nghe cho trẻ điếc? Vậy bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về phương pháp này?

Cấy ốc tai không phải là phương pháp duy nhất trả lại sức nghe cho trẻ, bởi phải tùy vào tùy vào trẻ nghe kém mức độ khác nhau. Còn phương pháp cấy điện tử ốc tai cũng đã tương đối phổ biến, để triển khai được phương pháp này thành lập được một nhóm người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ: chuyên gia về thính học, về trị liệu ngôn ngữ, về phẫu thuật, về tâm lý xã hội, thậm chí cần có sự tham gia của cả cho mẹ trẻ. Phải có đầy đủ những chẩn đoán, những chỉ định hết sức khắt khe và chặt chẽ, đánh giá được hiệu quả, tiên lượng được tốt kết quả sau phẫu thuật sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Phương pháp này đòi hỏi việc làm việc nhóm rất chặt chẽ.

Xin bác sĩ một vài lời khuyên, chia sẻ đối với cha mẹ có trẻ không may mắc phải căn bệnh điếc.

Người cha, mẹ là những người chăm sóc trẻ là những người rất quan trọng, luôn sát sao với trẻ trong cả một hành trình dài lâu năm để tìm kiếm lại âm thanh, khôi phục lại âm thanh để cho trẻ được nghe được nói. Với cha mẹ trẻ thứ nhất là nếu có chương trình sàng lọc khiếm thính thì dù là miễn phí hay có thu phí thì cũng nên cho trẻ đi khám sàng lọc. Nếu có nghi ngờ về khiếm thính phải đi khám chuyên sâu để được những chuyên gia về thính học tư vấn chứ không tự ý tìm hiểu nghe tin xung quanh bởi thời gian để chăm sóc trẻ chỉ khoảng 3 năm đầu, hoặc 5 năm đầu. Tôi đã gặp tình huống 1 tuổi bị điếc rất nặng các bác sĩ phải yêu cầu đeo máy nhưng cha mẹ lại không muốn con mình có vật gì ngoài cơ thể, không thích đeo máy mà muốn tìm phương pháp khác, sau đó đưa trẻ đi châm cứu mặc dù cũng đã đưa đến những Giáo sư rất nổi tiếng nhưng không mang lại hiệu quả, 2 năm sau trở lại tìm bác si lúc này trẻ đã 3 tuổi mà điều trị vẫn chưa có kết quả gì như vậy không còn nhiều thời gian để hồi phục cho bé nữa. Người mẹ chính là người phải tìm hiểu sâu về thông tin này, và phải nắm được quy trình khám chữa cho trẻ, tốt nhất là tìm đến các trung tâm về thính học, bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng, hoặc khoa tai mũi họng của các bệnh viện tuyến tỉnh để có được những tư vấn chính xác. Ở miền Bắc có thể đến trực tiếp Trung tâm thính học – Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Ở miền Nam có thể đến bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đều có thể yên tâm. Điều trị cho trẻ điếc cần thời gian dài cho nên cha mẹ trẻ phải kiên trì, các bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế khó khăn cũng nên tận dụng hoặc tiếp cận với các nguồn quỹ, hoặc sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, tôi cũng đã gặp một số người tự viết bài trên các mạng xã hội để mong nhận được sự hỗ trợ đã đạt được kết quả nhất định, tham gia các diễn đàn của cha mẹ trẻ khiếm thính để nhận được những chia sẻ cũng là một cách làm hữu ích.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vân Trang (thực hiện)

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.