Từ U23 Việt Nam, nghĩ về văn hóa cổ động của giới trẻ

SKNT - Văn hóa cổ động của người Việt trẻ cần thay đổi. Mỗi bạn trẻ hãy tự điều chỉnh văn hóa ứng xử của mình, dứt khoát nói không với những hành xử “kém duyên”!

“Cơn lốc hạnh phúc” từ đội tuyển U23 vừa quét qua vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” trên khắp mọi nẻo đường đất nước Việt Nam. Nơi nơi vẫn ngập tràn những tiếng xuýt xoa, khen ngợi không dứt về cú bức phá ngoạn mục của đội tuyển U23 Việt Nam. Mạng xã hội rần rần chia sẻ những clip ăn mừng chiến thắng “có một không hai” trong giây phút làm nên lịch sử của đội tuyển nước nhà.

Nghe dòng người nườm nượp hò reo hai tiếng “Việt Nam”, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới mọi nẻo đường, xem clip ông bố bỉm sữa ngậm khăn tắm ngăn tiếng hét sung sướng…, ai có thể giữ được nhịp tim thôi rộn ràng chứ? Máu trong người như sục sôi, nhựa sống như căng tràn hết mức hòa cùng niềm vui chiến thắng…

Nhưng nếu người hâm mộ biết điểm dừng, giới hạn cuối cùng cho niềm vui vỡ òa thì sẽ chẳng có gì để bàn luận. Vấn đề là xen lẫn niềm phấn khích hò reo là những hình ảnh “kém duyên” của một số bạn trẻ khiến niềm vui trong mắt nhiều người mất trọn vẹn.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đèo ba, chở bốn phóng vụt trên đường, rồ ga la hét với những mái đầu không đội mũ bảo hiểm. Tai nạn chực chờ trong tích tắc, đe dọa an nguy của người đi đường là mối lo lớn nhất.

Không chỉ thế, một số cổ động viên quá khích còn thể hiện những hình ảnh cực kỳ xấu xí, lố bịch, trong đó có hành vi khỏa thân quấn quốc kỳ.

Vâng, niềm vui chiến thắng cần được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng sẽ là lố lăng vô cùng khi một số người trưng ra những hành vi xấu xí như thế! Giới trẻ sẽ học được gì từ mấy hình ảnh phản cảm ấy?

Nhưng giữa những hình ảnh “kém duyên” ấy lại nổi bật lên khung hình các bạn trẻ thầm lặng nhặt rác ở sân vận động Olympic Thường Châu (Trung Quốc) sau trận chung kết giải U23 châu Á 2018. Tuyết vẫn phủ trắng mặt sân nhưng các bạn trẻ Việt Nam không quản ngại khó khăn đi dọc các hàng ghế trên khán đài để nhặt rác.

Cũng giống như vậy, sau khi xem trận chung kết giải U23 châu Á 2018 ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), nhiều cổ động viên cũng ở lại nhặt rác.

Đó là một sự cống hiến thầm lặng, một việc làm vì cộng đồng không cần phô trương! Chính nó đã tô điểm nét đẹp cho màu cờ sắc áo Việt Nam. Nó đối lập hoàn toàn với mấy màn ăn mừng “kém duyên” vô cùng của một số người ở trên.

 

Cổ động viên ở lại nhặt rác sau khi xem trận chung kết giải U23 châu Á 2018 ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

(Ảnh: Vietnamplus)

Đội tuyển U23 Việt Nam đã thắp lên ngọn lửa niềm tin vào tương lai nền thể thao nước nhà. Những cố gắng của các cầu thủ đã thổi bùng lên tình yêu, sự đoàn kết trong mọi người Việt, dù trên đất nước Việt Nam hay cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Vậy thì không có lý do gì để một số cổ động viên phô bày những hành vi cổ động “kém duyên” của mình.

Văn hóa cổ động của người Việt trẻ cần thay đổi. Mỗi bạn trẻ hãy tự điều chỉnh văn hóa ứng xử của mình, dứt khoát nói không với những hành xử “xấu xí”!

(Theo Dân Trí)

Bài viết khác

0983609369

© TRUNG ƯƠNG HỘI NGƯỜI GIÁO DỤC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VIỆT NAM. All rights reserved.